Bá Thước, một miền thu mơ

Chia tay đường Hồ Chí Minh, rẽ vào lộ 217 vắt ngang thị trấn Cẩm Thủy, tôi ngược miền tây bắc Thanh Hóa. Bắt gặp con sông Mã thao thao kể chuyện núi đồi, kể chuyện ruộng nương, bản làng... Vì tin lời sông Mã hiền hòa, tri kỷ với đất trời, với lòng người và mỡ màu nương bãi, nên tôi men ngược dòng trôi đi về phía núi đồi. Trong màu phù sa đục ngầu ngày lũ, sông Mã kể tràn bờ bãi, tôi nghe mênh mang về một miền đất có cái tên thân quen.

Bá Thước, một miền thu mơ

Bá Thước - nếu là người xứ Thanh hẳn ai cũng từng ít nhất một lần nghe tới. Riêng tôi, sự thân thương không chỉ bởi mảnh đất ấy là máu thịt quê Thanh, không chỉ bởi tôi cũng là người xứ Thanh, mà bởi tiếng lành như gió ngày mùa, đã bao lần bay xa mang những lời thơm ngọt về một vùng đất đẹp. Đẹp bởi cảnh sắc núi non kỳ vĩ kề bên những cánh ruộng bậc thang, lẫn trong những nếp sàn hiền hòa thở khói, đẹp bởi những nét văn hóa đậm mầu sắc và linh hồn của vùng Mường huyền thoại, đẹp vì những con người hiền hòa cần mẫn và nó đẹp vì mang trong mình biết bao huyền tích cổ xưa thiêng liêng. Bởi thế, nên dù là ai đó đã từng đến nơi đây, khi trở về đều mang theo một làn hương lành trong nỗi nhớ, gieo tiếng thơm khắp nẻo mình qua. Bởi vậy chăng, nên nói đến Bá Thước ai cũng nghe như đã thân thương, nghe như là nỗi nhớ và đau đáu một lần đến thêm, một lần trở lại. Riêng tôi, về đây không chỉ bởi tin lời lành hương gió, mà thực vì tôi tin con sông Mã, từ thuở nào khai sơ đã nặng lòng phù sa, thao thiết những điều tuyệt diệu ở phía thượng dòng.

Vào thu, những cơn mưa cứ đến rồi đi không hò hẹn. Tôi về đây một sáng lưng chừng mùa. Sau mưa, núi thường giăng mờ mây nõn, mỏng tang và mềm như hoa lau rắc bay lên đỉnh, nối tiếp nhau chạy tít tắp. Núi xanh, mầu xanh trầm mặc suy tư trăn trở. Đồng bãi xanh, mầu xanh hân hoan, tươi mới, thứ mầu xanh mang theo cả muôn lời hò hẹn ấm no, cứ lẫn vào nhau hòa vào nhau tạo thành một dàn xanh thôi miên bước chân lữ khách suốt tả ngạn dòng Mã kiêu hùng.

Tôi bắt gặp Bá Thước bằng những đám mía kim tân tăm tắp, như sắp xếp thành từng khối vuông hai mầu xanh - tím thẫm trên đồng ruộng. Xen lẫn vào đó là sắc vàng êm, xanh mướt, miên mơ, mềm dịu và hiền hòa của những đám hoa màu, ngô lúa đang đợi ngày thơm gió mùa thu hoạch.

Quả như lời sông, lời gió. Bá Thước đẹp, cái vẻ đẹp ấm áp và bình yên. Cái vẻ đẹp được phác vẽ bằng những mầu xanh nương bãi, núi đồi đương ngày mùa bời bời hứa hẹn. Đẹp bằng những cung bậc cuộc sống nhiều sắc màu. Từ cái thị trấn bé nhỏ mà sầm uất, khang trang của khu nhà cao tầng có tường sơn, mái ngói xanh đỏ, những khu chợ thưa thớt chạy dài từ Điền Lư, lên Điền Trung, rồi như đọng lại một nốt lặng ở thị trấn Cành Nàng với nhộn nhịp, huyên náo của chợ trung tâm huyện, mang đủ cung bậc, sắc màu của một cuộc sống đang bắt nhịp với thời đại. Dọc suốt phố 1 cho đến phố 4, chạy hết trung tâm huyện Bá Thước thấy phác họa rõ hình ảnh của một phố trong lòng thung. Sự náo nhiệt, khang trang được trang hoàng lẫn trong sơn sương, rừng mặc, được dỗ dành yêu ái bởi sự ân cần, thầm lặng của dòng Mã giang mang bao huyền tích, mang bao trù phú chở trôi qua triền miên tháng, triền miên năm... tạo cho thị trấn nhỏ này một sự đài các, mỹ miều đến mê đắm. Núi đồi sương mây, nhà cao tầng ngói xanh, ngói đỏ hòa vào nhau như một bản hòa âm ấm no và bình yên bất tận.

Rời thị trấn Cành Nàng, như bị thôi miên trong cảnh sắc, trong mênh mang của niềm vui, niềm yêu và bâng khuâng mơ mộng, tôi đi đến những tên bản, tên làng. Bắt đầu xã Thành Lâm, với nỗi xuyến xao về những nếp sàn bình yên thở khói, khơi gợi nồng nàn bếp lửa, bản Mường, bản Thái chừng còn giữ được trong mình cái hồn vẻ hoang sơ, mộc mạc thuở xa xưa. Tiếng mõ trâu đâu đó vẳng lại lưng chừng đồi, hòa vào tiếng suối reo tạo nên thứ âm thanh du mụ lòng người. Tôi vốn là đứa sinh ra từ núi, lớn lên cùng núi, nên hay phải lòng và dễ bị bùa ngải bởi hồn núi.

Qua khu ruộng bậc thang Pù Luông, bước chân như được nâng bổng lên những bậc thang mang sắc vàng, xanh xếp nối cao khắp lưng đồi rộng. Tôi gọi đó là những bậc thang của nắng, đang phơi mùa ấm no. Mắt tôi hút theo dáng các cô gái, các bà mế Thái, Mường tay thoăn thoắt, lưng khum khum dáng núi, mặt rạng nụ cười tươi như bông lúa dạt gió ngày mùa làm rộn rã ruộng thơm. Dưới chân núi, những cung đường mơ xanh như nét bút, vẽ nối dài cong queo, dẫn tôi đi khắp cả một vùng không biết mỏi.

Về Lũng Niêm thăm làng Trong làng Ngoài theo tiếng đồn lạ. Lâu nay, tôi cứ mặc định trong đầu mình ý nghĩ, chỉ có thành thị mới chật chội, nhà chen nhà từng viên đất nhỏ, mái xếp mái không có nổi một khoảng trời. Ấy vậy mà về đây, vô cùng thú vị khi biết doi đất ven núi này chen chúc những ngôi nhà sàn, cách nhau chỉ một cái với tay. Từ sàn nhà nọ có thể bước qua nhà kia không cần xuống thang lên cửa. Cán bộ xã bảo: đất chật không có chỗ làm nhà, nhiều năm nay làm công tác di cư, di dân cũng cải thiện được phần nào, nhưng tục người bản Thái họ chẳng muốn rời khỏi mảnh đất mình sinh ra. Đi đâu, ở đâu rồi cũng muốn quay về. Người sống lo đất ở, người chết lo đất chôn. Thế mà rồi vẫn yên vui đến lạ.

Tôi ấn tượng và bỗng trăn trở về nơi này, cuộc sống bà con khó khăn hơn những nơi khác, đất canh tác chỉ có những đám ruộng nhỏ chạy ven núi ven làng. Sau lưng làng là núi đá, không có đất đồi để trồng trọt thêm. Dưới gầm sàn nhà nào hầu như cũng có một khung cửi, bà con làm thêm nghề dệt thổ cẩm truyền thống để phụ phần chi tiêu. Cái nghèo nơi này cũng lạ lắm, không xơ xác thảm thương, không héo mòn vô vọng, không mỏi mệt chán chường như những miền nghèo khác. Có lẽ vì dù thế nào những con người nơi đây, những mái nhà nơi đây, vẫn luôn sát bên nhau, khói bếp này loang được qua bếp khác, tiếng cười nhà này vang tận nhà kia. Chung nhau từng ấm áp, khó nhọc ngày no ngày đói, vì thế chăng mà cơ cực vơi nguôi, nhẹ nhàng hơn để họ luôn lạc quan yêu đời như cây như núi.

Cũng ở Lũng Niêm có một nơi khá ấn tượng mà ai đến Bá Thước cũng muốn được ngang qua một lần, đó là chợ phố Đòn. Phố Đòn có từ thời Pháp thuộc nằm trên con đường nối từ Bá Thước lên Hòa Bình. Thật thú vị khi ta đi trong bạt ngàn núi cao chót vót, rừng xanh thăm thẳm bỗng nhiên hiện ra giữa hoang vu, vắng vẻ ấy một khu phố còn mang những dư ảnh, hồn vía của một khu phố cổ. Bé nhỏ thôi nhưng đủ tạo những cảm xúc rất đặc biệt, rất ấn tượng cho du khách qua đây. Những vòng xe tôi thư thả theo lối mòn rời Lũng Niêm trong bâng khuâng bao dư vị ngọt ngào.

Chiều buông vội vã, tôi một mình trước hoàng hôn rừng núi chợt lo lắng mình bơ vơ. Nhưng bếp lửa nhà sàn, đèn thắp lấp lóe những chân thang mời gọi tôi, nhóm lòng tôi ấm áp đến bình yên. Tôi đi vào bản, xin ở nhờ nhà một người vừa quen trên đường. Bữa tối đó, tôi được ăn cùng gia chủ một bữa cơm xôi nếp nương đầu vụ chấm muối vừng, lòng nghe như cả mùa gặt đang thơm nức lưng nương, khói bếp của mẹ tôi ở chốn Mường nhà. Đêm, không sao tả xiết cảm xúc được ngồi gian khách nghe người già hát Xường, thứ giai âm tuyệt diệu nhất mà cuộc đời tôi đã biết đến từ lúc chào đời, ru tôi lớn khôn, để đôi chân có thể lang thang ba bản bốn mường như hôm nay. Giờ đây, ngồi nghe những giai âm thiêng liêng kỳ diệu, đẹp đẽ ấy ở mảnh đất nguồn cội của người Mường, tôi như chạm được vào cổ tích thiêng liêng, đẹp đẽ. Tôi đã có một đêm quý giá ở nơi đây.

Sang ngày thứ hai, giữ nguyên những cảm hứng đang dâng trào, tôi đi tìm một con thác theo lời giới thiệu của bà con. Không chọn thác Muốn, thác Mơ, theo chân một nhóm phượt trẻ, tôi đến thác Hiêu ở Cổ Lũng. Đây là một dòng thác không cao, không mạnh nhưng chảy dài từ đỉnh núi xuống bản. Dòng thác mát lạnh, trong veo, dẫn dụ bước chúng tôi ngược nguồn đi trong lòng suối, lên mãi qua hết bậc đá này, ghềnh thác kia, người chúng tôi ướt sũng, lội leo không mệt mỏi, trong vô tận cảm xúc sảng khoái, mê đắm. Cho đến khi không còn chỗ để lội tiếp, tìm lối rẽ lên bờ thì thật bất ngờ, chúng tôi đã lên tới đỉnh của một ngọn núi, tận nguồn của dòng thác Hiêu. Từ trên cao nhìn xuống, thu vào tầm mắt là trập trùng núi đồi kỳ vĩ, xếp triền miên nhau. Lưng đồi điểm trang những đám ruộng bậc thang vàng óng, như một thảm tơ đổ tràn xuống bản. Nắng, gió và nước đầu nguồn thác tạo nên một thứ không khí tuyệt diệu đến khó tả, tôi mở căng lồng ngực hít thật sâu để mường tượng về trời đất thuở nguyên sơ.

Sau những trải nghiệm cùng thác cùng núi đồi, dù thấm mệt, nhưng dư âm và cảm xúc về cái đẹp, cái bình yên cứ nhảy nhót trong lòng. Tôi muốn đi, đi nhiều nữa, khắp vùng đất này để khám phá, để hưởng thụ, để đam mê nên tôi lại bon bon chạy về Mường Ống để thổn thức giai âm của điệu Mo sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, để thấy tự hào về nguồn cội của tộc Mường. Đồi Lai Li Lai Láng còn vương vương đâu đó bóng cây si, cây sanh, cây chu đồng bông thau quả thiếc, còn đâu đó thấp thoáng bóng dáng Lang vương, bà nàng quyền quý, uy phong trong huyền thoại đất Mường. Đến đây, tôi dâng đầy những xúc cảm tự hào về nguồn cội của mình. Nơi là nguồn cội sử tích tộc Mường, nguồn cội của bộ sử thi đồ sộ - Mo Mường “Đẻ đất đẻ nước” để lại cho nhân loại một tài sản văn hóa lớn, làm giàu thêm linh hồn Việt. Tôi bỗng yêu nơi đây như yêu Mường Tạ của tôi.

Mùa thu, cảnh sắc đất trời miền núi Bá Thước đẹp đến mê lòng. Núi rừng mang nhiều sắc mầu, trắng tinh bông của mây, mơ màng sương giăng ngực núi, xanh biếc cây, xanh thẳm sông, vàng ươm đồi ngô nương lúa chớm mùa. Hoa rừng, những loài hoa tôi không biết tên, nở hồn nhiên trên mênh mông triền đồi, gọi hương cho gió lành về rười rượi ngày thu. Lẫn vào đó là bóng dáng của những váy hoa, khăn piêu mỹ miều sớm mai chợ phiên, chiều rộn ràng nương rẫy. Cuộc sống nơi đây bỗng trở nên tuyệt diệu như một miền cổ tích trong truyện ngày xửa ngày xưa của bà.

Tôi xuôi đường trở về, mang theo bản tình ca mùa thu Bá Thước ngọt ngào, hân hoan kể lại cho sông Mã nghe suốt con đường xanh mướt.