Thắp lửa từ cây đàn ghi-ta

Nhiều người yêu âm nhạc thủ đô Hà Nội còn nhớ thời “hoàng kim” của nhóm “Thất cầm” gồm bảy nghệ sĩ chơi ghi-ta từ năm 1973, mà Phạm Văn Phúc là thành viên. Ông coi tiếng đàn là phương thuốc hữu hiệu để “xoa dịu” những đắng cay của cuộc đời. Bằng sự tận tụy, cần mẫn, ông miệt mài “khai tâm”, truyền tình yêu cuộc sống cho không ít bạn trẻ từng ngụp lặn trong bi quan, chán nản để trở lại thành người có ích.

Bao năm trời, tiếng đàn vẫn chẳng chịu già đi…
Bao năm trời, tiếng đàn vẫn chẳng chịu già đi…

Cuộc đời như tiếng đàn

Ông sinh ra trong gia đình khá giả, có truyền thống yêu nước, được cụ thân sinh cho đi học đàn từ năm 14 tuổi. Một trong những người thầy nổi danh dạy cho ông là cụ Tạ Tấn.

Song, do nhiều nguyên nhân, gia đình ông bị ly tán, tài sản cũng bị tiêu hao. Bản thân Phạm Văn Phúc cũng không thể chuyên tâm cho ước mơ mà phải lao động cật lực để giúp gia đình vượt qua sóng gió. Từ một công tử con nhà giàu, bỗng nhiên phải đi làm những việc nặng nhọc, kể cả bốc vác để kiếm sống, hẳn là không thể tránh khỏi nỗi chán chường. “Nhưng may thay, từ năm 1958 tôi đã gặp được những người cùng yêu ghi-ta. Mỗi người đều có một thân phận. Chúng tôi chia sẻ, an ủi lẫn nhau. Tôi cũng an tâm với công việc mưu sinh của mình”- nghệ sĩ Phạm Văn Phúc chia sẻ.

Đúng như ông Phúc tâm sự, ông đã gặp danh cầm Vũ Bảo Lâm và cùng đi tìm gặp các nghệ sĩ Nguyễn Tỵ, Quang Tôn, Đỗ Trường Giang… để xây dựng nhóm. Họ cùng nhau luyện tập và say sưa chơi đàn tại những công trường lao động, những góc phố, công viên… phục vụ công chúng và người yêu ghi-ta. Năm 1973, nhóm “Thất cầm” chính thức ra mắt khán giả trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và có nhiều đêm diễn lưu động đến cả một số tỉnh thành lân cận.

Phạm Văn Phúc kể: Khi bắt buộc phải thôi học ở thầy Tấn, điều cốt lõi khiến ông bắt đầu một hành trình mày mò tự học và học ở bạn bè để có ngón nghề như hôm nay là vì ông “không thể sống thiếu tiếng đàn”. Tham gia nhóm “Thất cầm”, ông đã vượt qua bệnh tật, nỗi đau thể xác và cả sự hụt hẫng trong tinh thần. Ông trải lòng: “Đời tôi thăng trầm như tiếng đàn. Sau bão tố, tôi gượng dậy. Rồi tôi lập gia đình, sinh tới năm con. Những tưởng tôi sẽ được chung vai sẻ chia, nhưng không, vợ tôi bỏ đi mà không nói lời từ biệt. Cảnh gà trống nuôi đàn con, đủ thấy cực nhọc thế nào”.

Bè bạn kể lại, Phạm Văn Phúc làm việc gấp đôi bình thường, dù nhiều người nói đùa rằng ông “chẳng nghề ngỗng gì”. Kể cả việc đi dạy đàn ở Nhạc viện Hà Nội, ông cũng chỉ là người dạy mùa vụ mà không có hợp đồng. Sau cả ngày cật lực, ông lại dành thời gian một phần buổi tối để luyện tập.

Không ít người từng khóc khi nghe ông Phúc chơi những bản Người ơi người ở đừng về, Lagrima hay Tiếng hát giữa rừng Pác Bó… Thật lòng mà nói, tôi đã vịn vào cây ghi-ta để sống, tự tiếp lửa cho mình - ông Phúc khẳng định.

Giúp người sống có ích

Từ năm 1985, các hoạt động của nhóm “Thất cầm” đi vào thoái trào. Phạm Văn Phúc và Vũ Bảo Lâm đã lập ra CLB Ghi-ta cổ điển Hà Nội, nhằm giúp nhiều người giữ gìn được tình yêu ghi-ta. Đây cũng là thời gian mà gia cảnh ông Phúc khó khăn nhất. Đến nỗi, ông phải bán cả cây đàn quý - món quà mà ông Phạm Văn Thông, một người bạn nể phục tài năng mua tặng - để lấy tiền đong gạo “cứu đói cho con”. Với người “yêu đàn như con”, đó thật sự là một nỗi đau khó khỏa lấp. Dù sau đó vài năm, ông Quan Hữu Trường, một người học trò cũ, cũng đã mua tặng thầy cây đàn khác, nhưng đến tận bây giờ, Phạm Văn Phúc vẫn chưa thôi day dứt.

Nói về bạn mình, nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm cho biết: “Ông ấy chơi đàn 60 năm nay mà không vơi tình yêu! Cây đàn đã đi cùng ông bao buồn vui, khổ đau. Nay đã ở tuổi 77, đàn với ông vẫn là người bạn không thể tách rời. Có những khi ông nhớ thời hoạt động của nhóm, đã ôm ghi-ta chơi suốt đêm”.

Vì sao ông giữ được niềm đam mê bền bỉ đến thế? Phạm Văn Phúc bảo, tiếng đàn của ông không chỉ để giải trí hay thưởng thức thông thường. Tiếng đàn giúp cho con người sống có ích hơn, trân trọng cuộc sống và có thể cải hóa, “khai tâm” người khác. Ông tự hào: Trong số hàng trăm học trò được ông dạy ghi-ta từ xưa đến nay, không ít người từng là trẻ hư, hoặc tự kỷ. Ông biết dùng tiếng đàn để cải hóa tâm hồn các em là nhờ đọc được sách nước ngoài. Khi áp dụng vào thực tế thì thấy thật hiệu quả. Với các em “cứng đầu cứng cổ” mà bậc phụ huynh mang đến cậy nhờ, ông đã tìm đọc thêm sách tâm lý, để từ đó có kinh nghiệm vừa dạy ngón nghề, vừa dùng biện pháp mưa dầm thấm lâu, giúp các em hướng thiện, trở nên chăm ngoan hơn.

Rất nhiều nghệ sĩ ghi-ta có chung quan điểm: Một cô/cậu học trò biết yêu âm nhạc, say mê với nghệ thuật sẽ xa dần những việc làm vô bổ, ý nghĩ tiêu cực. Còn với trẻ tự kỷ, thì chữa bằng âm nhạc cũng là một phương pháp hiệu quả đã được khoa học chứng minh…

Bây giờ cuộc sống đã đỡ vất vả hơn, căn gác nhỏ trên phố Huế mà ông Phúc đang sinh sống là địa chỉ được nhiều bạn trẻ tìm đến học đàn. Vào những tháng ngày rảnh rỗi, ông đi tỉnh giao lưu cùng các nghệ sĩ khác. Nhiều người bảo rằng, tiếng đàn của ông sau bao nhiêu năm chẳng chịu “già” đi. Phải chăng, nó luôn trẻ vì ông biết tiếp lửa cho mình, cho mọi người, cho cuộc sống trở nên tốt đẹp và bình yên hơn!?

Phạm Văn Phúc đã chuyển soạn thành công các tác phẩm cho ghi-ta: Người ơi người ở đừng về (dân ca Quan họ), Ru em (dân ca Xê-đăng), Làng tôi (Văn Cao), Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ), Vượt Cầu mây (Nguyễn Thịnh), Hà Nội yêu dấu (La Thăng), Ngôi sao và ước mơ (Lương Vĩnh)…