Tác động tiêu cực từ "phim giang hồ"

Thời gian gần đây, trên in-tơ-nét xuất hiện hàng loạt phim về đề tài giang hồ. Ðáng chú ý, thể loại phim này thường thu hút số lượt xem lớn và những nhân vật bất hảo cùng một số nghệ sĩ, diễn viên đã trở thành "thần tượng" của một bộ phận khán giả trẻ. Ðây là hiện tượng không lành mạnh, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa và nhận thức xã hội.

Phim phát hành trên in-tơ-nét đang trở thành xu hướng được khai thác nhiều, nhất là trên các kênh như YouTube. Ưu điểm của loại phim này là dễ làm, chi phí thấp, dễ tiếp cận khán giả so với các bộ phim được phát hành theo kênh chính thống. Một trong những đề tài thu hút sự tò mò của khán giả là xoay quanh giới giang hồ với hình ảnh, tình huống đầy bạo lực. Có thể kể tới loạt phim: "Chạm mặt giang hồ", "Luật lệ giang hồ", "Gã giang hồ"... với sự tham gia của Ðường Nhuệ (tên thật là Nguyễn Xuân Ðường), đối tượng đang bị cơ quan chức năng bắt giữ, điều tra về hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật.

Trong các phim kể trên, Ðường Nhuệ đóng vai ông trùm giang hồ, chuyên đứng ra giải quyết mâu thuẫn giữa các băng nhóm bằng bạo lực. Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, các phim này thường đạt từ vài triệu lượt xem trở lên, có phim đạt hơn 100 triệu lượt xem và có hàng triệu bình luận, chia sẻ. Ngoài Ðường Nhuệ, còn nhiều nhân vật tương tự cũng đóng phim về đề tài này, tự phát hành trên in-tơ-nét. Sau khi Ðường Nhuệ bị cơ quan chức năng bắt giữ và điều tra, một số nghệ sĩ từng tham gia làm phim cùng đối tượng này đã có những chia sẻ khiến khán giả bất ngờ. Họ thoải mái kể về những cuộc gặp gỡ giao lưu, ngợi khen sự hào hiệp, tình cảm của giới giang hồ. Rõ ràng, những nghệ sĩ này thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với nghề nghiệp và công chúng, làm dấy lên những cái nhìn sai lệch về nhân vật, sự việc còn đang được cơ quan chức năng điều tra. Có thể kể ra nhiều đạo diễn, diễn viên, ca sĩ được khán giả biết đến còn tham gia vào khâu sản xuất, diễn xuất, tham gia vào cuộc đua sản xuất phim đề tài giang hồ, như: "Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ" (ca sĩ Ưng Hoàng Phúc), "Người trong giang hồ" (ca sĩ Lâm Chấn Khang), "Thập tam muội" (đạo diễn Khương Ngọc, Tô Gia Tuấn)...

Phim về đề tài giang hồ phát hành tràn lan trên in-tơ-nét đã trở thành vấn đề đáng báo động, nhất là khi lượng khán giả trẻ tuổi không ngừng tăng, coi nhân vật phản diện như "thần tượng". Những màn ẩu đả, bạo lực, gây sốc... cộng với sự xuất hiện của dàn nghệ sĩ chuyên nghiệp bên cạnh các nhân vật tai tiếng đã gây ra những xáo trộn, sai lệch trong nhận thức giá trị, tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của một bộ phận khán giả trẻ. Ngoài ra, cần phải phê phán cảnh tỉnh các nghệ sĩ có tên tuổi tham gia vào dạng phim này. Nhiều câu hỏi được đặt ra, phải chăng chỉ vì lợi ích vật chất mà họ chấp nhận tham gia vào phần việc có thể gây tai tiếng, phản cảm? Thay vì nêu cao trách nhiệm với xã hội, một bộ phận nghệ sĩ đang vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng tiếp tay cho những trào lưu không lành mạnh.

Hiện nay, các sản phẩm phát hành trên in-tơ-nét chủ yếu được quản lý theo hình thức hậu kiểm, nghĩa là, chỉ bị xử lý sau khi đăng tải mà có phản ánh, yêu cầu gỡ bỏ. Gần nhất, kênh YouTube có tên "A Hy Tivi" đã bị xóa vì nhận được phản ánh đã đăng tải nhiều vi-đê-ô có nội dung bôi nhọ hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số. Dù vậy, cách xử lý này vẫn chưa triệt để bởi người dùng có thể đã tải dữ liệu về lưu trữ. Cho nên các cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp cụ thể để ngăn chặn nguy cơ độc hại của môi trường mạng, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm đã được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Bên cạnh đó, từ phía nhà trường, gia đình cần đẩy mạnh vai trò định hướng, đồng hành cùng con em mình, giúp giới trẻ nhận thức đầy đủ hơn về loại hình "phim giang hồ" này. Mỗi người nghệ sĩ, với sức ảnh hưởng nhất định tới công chúng, cần không ngừng nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, không để tác động tiêu cực tới nhận thức của công chúng, nhất là các khán giả trẻ tuổi.