Siết chặt quản lý trật tự xây dựng

Một trong những vấn đề nóng được nêu ra tại nhiều kỳ họp Quốc hội (QH), được dư luận xã hội quan tâm trong nhiều năm qua là việc quản lý quy hoạch xây dựng, xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này.

Theo các cơ quan chức năng, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng không chỉ xảy ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn mà diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Các hình thức vi phạm chủ yếu là phá vỡ quy hoạch đô thị, vi phạm quy định về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, xây nhà siêu mỏng, siêu méo, gây mất mỹ quan đô thị… Vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang tồn tại công khai, gây nhức nhối trong dư luận, đòi hỏi các cấp chính quyền cần khẩn trương nhìn nhận thực trạng, trách nhiệm, từ đó có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Tại nghị trường QH, có đại biểu nêu rõ: Ðiều đáng lo hiện nay là tại nhiều địa phương, có những vi phạm chưa được xử lý dứt điểm thì công trình vi phạm mới đã xuất hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà việc xử lý còn hạn chế.

Việc xử phạt, quy trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư chưa được quan tâm, có nơi có dấu hiệu buông lỏng, thờ ơ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến yếu kém trong quản lý trật tự xây dựng và những nguyên nhân đó đã tồn tại nhiều năm nay. Ðáng chú ý trong đó là: Mô hình tổ chức bộ máy thanh tra xây dựng đô thị tại các địa phương còn có điểm bất cập, nhất là tại các thành phố lớn, cho nên thiếu sự gắn kết giữa các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Một số cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo thường xuyên đối với công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng; vi phạm xây dựng chưa được xử lý kịp thời, triệt để. Việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình còn khó khăn liên quan đến lực lượng, phương án phá dỡ, chi phí… Còn xảy ra hiện tượng lách luật trong xử lý vi phạm, lợi ích nhóm, thiếu nghiêm minh, nghiêm túc trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, công tác quy hoạch chưa được thực hiện có bài bản, khoa học, chưa phù hợp thực tế phát triển đô thị. Nhiều doanh nghiệp, nhà thầu chạy theo lợi nhuận cho nên sẵn sàng vi phạm, nhất là tại những dự án xây dựng chung cư, nhà cao tầng. Lực lượng chức năng về lĩnh vực này ở nhiều nơi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Một số địa phương lý giải cho những hạn chế, bất cập trong xử lý dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng, đó là: Các quy định pháp luật liên quan chưa hoàn thiện; chưa có chế tài phù hợp hoặc chế tài còn nhiều kẽ hở bị lợi dụng; hồ sơ, nguồn gốc đất phức tạp dẫn đến vướng mắc trong quá trình xử lý... khiến kết quả xử lý vi phạm xây dựng chưa đạt kết quả như mong muốn.

Ðể khắc phục tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1398 ngày 16-10-2019 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83 ngày 14-6-2019 của QH về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ bảy (khóa XIV) đối với lĩnh vực xây dựng. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, gồm các giải pháp cụ thể sau: Tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động xây dựng và ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm trong xây dựng; tăng cường kiểm soát, quản lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả đối với các vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng; công tác thanh tra, kiểm tra; hoàn thiện mô hình thanh tra xây dựng.

Để thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều công việc cụ thể. Trong đó, chú trọng bổ sung quy định xử phạt, đồng thời đề cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý trong công tác xây dựng cũng như đội ngũ chuyên môn làm công tác xây dựng. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, đội quản lý trật tự xây dựng nếu quá trình xây dựng không bảo đảm khách quan, không theo quy hoạch, xây dựng sai phép, xây dựng trên đất nông nghiệp… Cần rà soát lại các quy định liên quan lĩnh vực xây dựng để tạo sự đồng bộ, thống nhất, không xung đột nhau để có thể áp dụng thuận lợi trong thực tế. Cần kiên quyết hơn trong việc xử phạt, xử lý các sai phạm theo hướng tăng tính răn đe, không hợp thức hóa các hành vi xây dựng sai phép, không thể xử phạt rồi tiếp tục cho phép tồn tại. Xử lý nghiêm minh sai phạm là yếu tố hàng đầu để người dân, dư luận xã hội tin tưởng công tác quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Cần tiếp tục rà soát, xây dựng những quy trình, quy định, thủ tục, trình tự xử lý vi phạm trật tự xây dựng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, loại trừ các kẽ hở, bất cập để nâng cao tính răn đe đối với cả đối tượng vi phạm và cán bộ thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.