Kinh tế đầu năm khởi sắc

Năm 2021 được xác định là năm phục hồi kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng được Chính phủ đề ra là 6,5%. Đây là kế hoạch tăng trưởng cao hơn 0,5 điểm phần trăm so chỉ tiêu Quốc hội giao, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết liệt vào cuộc ngay từ ngày đầu, quý đầu.
 

Trong tháng khởi đầu của năm mới, bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng. Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1-2021 tăng 22,2% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 50,5%, trong đó có sáu mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; giải ngân vốn đầu tư công tăng 24,5%. Đáng lưu ý, hoạt động đăng ký kinh doanh tăng trưởng ấn tượng ở các chỉ số về doanh nghiệp (DN) thành lập mới, vốn và lao động đăng ký. Qua đó bổ sung nguồn vốn đầu tư hơn 395 nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế, tăng 10,5% so cùng kỳ. Đối với hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số địa phương vẫn tiếp tục thu hút được dự án công nghệ cao, điển hình như dự án 270 triệu USD của Foxconn tại Bắc Giang sản xuất, gia công máy tính xách tay (Macbook) và máy tính bảng (iPad). Việc Foxconn - một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple đầu tư vào Việt Nam ở thời điểm này đã củng cố niềm tin của giới đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư, kinh doanh nước ta. Trong khi đó, DN nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam cũng lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh. Đơn cử, kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố cho thấy, 46,8% số DN Nhật Bản sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong một đến hai năm tới, nhờ dự báo lạc quan về khả năng tăng doanh thu nội địa và xuất khẩu cũng như mức độ tiềm năng và tăng trưởng cao.
 
 Tuy nhiên, nền kinh tế cũng phải đối mặt những rủi ro lớn khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng vào cuối tháng 1. Hoạt động sản xuất công nghiệp chưa thể phục hồi nhanh như trước khi có dịch bệnh, các DN vẫn tiếp tục thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhiều thị trường xuất khẩu chưa thể hồi phục do các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục hạn chế nhập khẩu vì giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới. Khu vực dịch vụ chưa kịp phục hồi đã tiếp tục bị “bồi” thêm khó khăn trước làn sóng dịch Covid-19 mới. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý đầu của năm, ước tính GDP quý I-2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực kiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Do đó, muốn “cán đích” tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%, các quý III và quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP.
 
 Để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu tập trung phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất tác động đến nền kinh tế. Thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội với yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP bằng các chương trình hành động cụ thể, khả thi, nhất là các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Cần tăng cường sự độc lập, năng lực tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh, tình hình mới. Cụ thể là có chiến lược, chính sách mới tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để nắm bắt cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0; nghiên cứu, theo dõi, cập nhật các xu thế, mô hình mới, chính sách của các nước có tác động lớn đến nước ta, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế… Liên quan đến nhiệm vụ này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, để báo cáo Chính phủ.