Kiểm soát nội bộ doanh nghiệp

Thời gian qua, nhìn chung các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách kinh tế - xã hội; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được đầu tư; nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn; vi phạm chính sách, pháp luật; tình trạng rủi ro, yếu kém, mất kiểm soát chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Một số ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp của Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp nhà nước chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của kiểm soát nội bộ (KSNB) hoặc chưa xây dựng cho mình những hệ thống KSNB hoạt động hi

Ðể tăng cường quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị doanh nghiệp nhà nước, ngày 3-6-2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động kèm theo Nghị quyết số 97 NQ/CP ngày 2-10-2017 và giao Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Ðề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước", thời điểm ban hành Ðề án dự kiến năm 2020.

Ðể thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ thanh tra về cơ chế, biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước, nhất là tập trung phản ánh thực tiễn công tác KSNB của doanh nghiệp nhà nước thời gian qua. Ðồng thời, đưa ra các giải pháp liên quan việc thiết lập hệ thống quản trị, KSNB doanh nghiệp nhà nước hiệu quả nhằm phòng ngừa và xử lý rủi ro, vi phạm pháp luật tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Trong đó, KSNB là những phương pháp và chính sách được thiết kế để ngăn chặn gian lận, giảm sai sót, khuyến khích hoạt động hiệu quả, nhằm đạt được sự tuân thủ các chính sách và quy trình đã được thiết lập.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất là cần xây dựng hoạt động của KSNB phù hợp các loại hình và hoạt động thực tế của doanh nghiệp Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, cần chú trọng bảo đảm quyền hạn và nguyên tắc của KSNB. Ðó là quyền chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình; quyền yêu cầu cung cấp đầy đủ, kịp thời toàn bộ các thông tin cần thiết có liên quan nội dung KSNB; quyền tiếp cận, xem xét tất cả các hoạt động quản lý điều hành; quyền tiếp cận, phỏng vấn các cá nhân, tổ chức, đơn vị thành viên có liên quan nội dung kiểm soát; quyền tham dự và yêu cầu cung cấp tất cả các thông tin từ các cuộc họp của tất cả các cấp quản lý; quyền yêu cầu và giám sát các hoạt động khắc phục, hoàn thiện đối với các vấn đề mà KSNB đã ghi nhận và có khuyến nghị. Ðáng chú ý, KSNB cần độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, không bị chi phối hoặc can thiệp khi thực hiện công việc; từ chối thực hiện các công việc không thuộc phạm vi nghiệp vụ KSNB. Trong thực tế, KSNB có thể được coi như một hoạt động thanh tra, vì vậy, cần có sự độc lập về tổ chức với các đơn vị, các bộ phận điều hành; độc lập về hoạt động với các hoạt động quản lý điều hành, với các nghiệp vụ được kiểm soát; độc lập về đánh giá và trình bày ý kiến trong báo cáo kiểm soát; khách quan, trung thực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Một yếu tố rất quan trọng của KSNB là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp đối với hoạt động này. Nếu chỉ đạo làm tốt KSNB, tạo điều kiện tối đa để KSNB triển khai nhiệm vụ, tuân thủ các nguyên tắc được đề ra, doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp nhà nước nói riêng sẽ bảo đảm tốt hoạt động của mình, tránh được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, rủi ro...