Cùng suy ngẫm

Kiềm chế nạn xe quá tải bùng phát

Vài năm trước, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, "cuộc chiến" chống xe quá tải đã đạt kết quả khá khả quan, có lúc đã xử lý và dẹp bỏ tới 90%.

Ðáng tiếc, sau một thời gian yên ắng, tình trạng xe quá tải đang có chiều hướng tái diễn và bùng phát trở lại tại một số tuyến quốc lộ trọng điểm như quốc lộ 1, 5, 18, 51, 70; các tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Quảng Ninh - Hải Phòng; địa bàn TP Hà Nội,… khiến dư luận bức xúc. Nhiều xe quá tải trọng, được cơi nới thành thùng, hoạt động công khai, tàn phá đường sá và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông. Thanh tra giao thông đi kiểm tra, xử phạt thường vấp phải sự chống đối, bất hợp tác, thậm chí có lái xe còn huy động cả những đối tượng "xã hội đen" đến can thiệp, đe dọa hành hung gây thương tích người thi hành công vụ. Hiện nay, lực lượng thanh tra giao thông các địa phương chỉ kiểm soát xe quá tải trên quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương, còn một số lực lượng khác buông lỏng nên xe quá tải hoành hành công khai ở các khu vực mỏ vật liệu xây dựng, cảng bến, khu công nghiệp,…

Ðể chấn chỉnh, tiến tới chấm dứt tình trạng này, mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã ban hành Chỉ thị, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/2016/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, yêu cầu Tổng cục Ðường bộ Việt Nam phối hợp các địa phương triển khai kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ và đường địa phương bằng trạm cân lưu động và thiết bị cân đã được cấp. Các đơn vị kiểm tra việc chấp hành quy định về xếp hàng hóa lên xe ô-tô tại các cảng, bến thuộc phạm vi quản lý và nội dung doanh nghiệp cảng, bến đã ký cam kết; Xử phạt theo thẩm quyền đối với cảng, bến vi phạm quy định. Trung tâm đăng kiểm kiên quyết không cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật cho phương tiện sai kích thước thùng hàng, công khai danh sách các xe vi phạm, tái phạm,…

Trên thực tế, công tác kiểm soát tải trọng xe vẫn còn vấp phải không ít vướng mắc; vấn đề phân công, phân nhiệm giữa các cấp, ngành còn bất cập, kể cả trong lãnh đạo, chỉ đạo. Vì thế, cần nâng cao hơn nữa công tác tham mưu, chỉ đạo từ cơ quan chủ quản, các đơn vị chức năng; các đơn vị trực tiếp cũng cần chủ động, quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần phối hợp lực lượng chức năng kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại các mỏ khai thác vật liệu, các bãi khai thác, trung chuyển vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp có nhiều phương tiện vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần, Sở Giao thông vận tải địa phương có biện pháp mạnh, tước phù hiệu, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải có thời hạn để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý. Cơ quan chức năng rà soát, cắm bổ sung biển hạn chế tải trọng trên các tuyến đê; có chế tài tăng nặng mức xử phạt vi phạm đối với việc thực hiện xếp hàng hóa lên xe ô-tô sai quy định cũng như thường xuyên hậu kiểm việc doanh nghiệp ký cam kết không chở quá tải và thông báo cho địa phương biết. Ðịa phương nào không chuyển biến, cần kiểm tra chính lực lượng chức năng tại địa phương đó.

Tại Chỉ thị 32/2016/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao cụ thể trách nhiệm kiểm soát tải trọng xe thuộc chức năng của chính quyền địa phương. Lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về tình trạng xe quá tải trên địa bàn mình quản lý. Thiết nghĩ, nếu địa phương nào cũng quản lý chặt, có biện pháp hữu hiệu thì việc có trạm cân lưu động hay không vẫn dẹp được xe quá tải, bởi yếu tố cốt lõi vẫn nằm ở con người.