Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hoạt động của công đoàn

Công đoàn Việt Nam (CĐVN) hiện nay đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và việc cam kết thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các công ước quốc tế về lao động. Đây không chỉ là nhu cầu tự thân của tổ chức, mà còn là mong mỏi của đoàn viên, người lao động (NLĐ), mệnh lệnh của cuộc sống.

Có thể thấy, hoạt động công đoàn ngày càng trở nên thiết thực, tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển ở nước ta những năm qua, CĐVN còn chưa theo kịp, có mặt chậm đổi mới, còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng tác động sâu sắc đến đời sống, sản xuất, việc làm và phương thức tập hợp NLĐ; thị trường lao động và quan hệ lao động sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới, có mặt phức tạp hơn. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với các nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) và các công ước quốc tế về lao động cũng đặt ra nhiều thách thức với CĐVN.

Một trong những thách thức lớn nhất đặt ra đối với tổ chức công đoàn khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là việc pháp luật cho phép thành lập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (DN) ngoài tổ chức CĐVN. Đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ. Sự xuất hiện của tổ chức của NLĐ tại DN ngoài CĐVN có nguy cơ làm tăng chậm, thậm chí giảm số lượng đoàn viên cũng như số lượng công đoàn cơ sở (CĐCS). Công tác phát triển đoàn viên, CĐCS sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện NLĐ khác. Nguồn lực bảo đảm cho hoạt động của CĐVN có nguy cơ giảm sút, tài chính của các cấp công đoàn có thể bị giảm mạnh. Nếu không có nguồn lực đủ mạnh tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa đoàn viên công đoàn và NLĐ không phải là đoàn viên sẽ bất lợi trong cạnh tranh, thu hút NLĐ và tổ chức của NLĐ mới thành lập gia nhập tổ chức CĐVN. Tình hình nêu trên dự báo tác động sâu sắc đến tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn, đòi hỏi CĐVN phải đổi mới toàn diện.

Mục tiêu đổi mới mà CĐVN cần hướng tới đó là phát huy vai trò, củng cố vững chắc vị trí, thực hiện tốt chức năng của mình trong bối cảnh mới. Xây dựng CĐVN vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng trong bối cảnh mới, vừa làm tốt vai trò của tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa là tổ chức đại diện lớn nhất, chỗ dựa tin cậy của NLĐ. Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp, quan tâm thí điểm, bảo đảm kế thừa, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của tổ chức công đoàn trên thế giới. Củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa công đoàn với Nhà nước, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, CĐVN cần tập trung đổi mới phương thức tập hợp, vận động đoàn viên, NLĐ. Đây là nhiệm vụ sống còn, không chỉ tăng thêm số lượng đoàn viên, tạo sức mạnh cho tổ chức mà còn là trách nhiệm tập hợp, tuyên truyền, vận động quần chúng lao động. Đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, NLĐ. Đa dạng hóa phương thức truyền thông, quảng bá vị thế, uy tín của CĐVN. Đổi mới việc phát động và triển khai các phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò của từng cấp công đoàn, đoàn viên, NLĐ, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung tạo sự chuyển biến căn bản việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Tập trung vào công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đối thoại và thương lượng tập thể; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.