Thị trường viễn thông năm 2016

Sự bùng nổ của dịch vụ nội dung số

Năm 2016 sẽ là năm đánh dấu thời kỳ hoàn toàn mới của thị trường viễn thông Việt Nam. Sự bùng nổ về nhu cầu sử dụng dữ liệu và các dịch vụ nội dung số chắc chắn sẽ tiếp tục kéo giảm doanh thu từ thoại và tin nhắn của các doanh nghiệp (DN) viễn thông Việt Nam; đồng thời, buộc các DN này phải cạnh tranh với nhiều đối thủ “nặng ký” mới là các nhà cung cấp đa dịch vụ quốc tế. Mức độ cạnh tranh của thị trường viễn thông đang ngày càng gay gắt hơn, đòi hỏi DN viễn thông trong nước phải tạo bước đột phá mới để duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.

MobiFone phát triển nhiều dịch vụ tiện ích mới cho khách hàng, trong đó có ứng dụng nhắn tin qua sóng wifi với tên gọi witalk.
MobiFone phát triển nhiều dịch vụ tiện ích mới cho khách hàng, trong đó có ứng dụng nhắn tin qua sóng wifi với tên gọi witalk.

Dịch vụ nội dung số “lên ngôi”

Những báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho thấy, năm vừa qua là một năm đầy thành công của ngành viễn thông Việt Nam. Mặc dù thị trường trong nước cạnh tranh rất mạnh mẽ, song hầu hết các DN viễn thông đều đạt được mức doanh thu ấn tượng. Ba “ông lớn” là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục hình thành thế “chân vạc”, chiếm phần lớn thị phần (khoảng 96%) và đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu ước đạt 340 nghìn tỷ đồng của toàn ngành. Bước sang năm 2016, các chuyên gia đánh giá, nhờ các lợi thế sẵn có, các “đại gia” này chắc chắn vẫn chiếm quyền chủ đạo tại thị trường viễn thông trong nước, bất chấp những tác động của quá trình hội nhập mang lại.

Tuy nhiên, xu hướng phát triển của ngành viễn thông trong thời gian tới sẽ chứng kiến sự “lên ngôi” của dịch vụ nội dung số, dịch vụ OTT,… Điều này đồng nghĩa với việc mảng doanh thu truyền thống của các nhà mạng hiện nay là thoại và tin nhắn ngày càng bị giảm. Các nhà mạng cũng sẽ phải đối mặt sức ép cạnh tranh lớn từ các nhà khai thác dịch vụ quốc tế như Facebook, Viber… hay kể cả từ các OTT nội địa như Zalo. Ngoài ra, việc triển khai công nghệ 4G, tuy chưa thể “bùng nổ” ngay trong năm 2016, nhưng cũng sẽ là tiền đề để các dịch vụ nội dung số có môi trường phát triển. Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận: 4G sẽ kết thúc thời kỳ “a-lô” là nguồn thu chính của nhà mạng, đồng thời mở ra kỷ nguyên cho các ứng dụng của điện thoại thông minh (Smartphone). Việc truy cập vào mạng dữ liệu với tốc độ ngày càng cao, lại thuận tiện và dễ dàng như hiện nay, cộng với tốc độ phát triển như vũ bão của các thiết bị điện tử cầm tay thông minh đã thúc đẩy sự “bùng nổ” của dịch vụ nội dung số, ứng dụng OTT,... Song, phần nhiều giá trị gia tăng thu được từ “mảnh đất” màu mỡ này lại đang “chảy” vào túi các nhà cung cấp dịch vụ, còn nhà mạng thì lâm vào cảnh “cốc mò, cò xơi”.

Chuyển mình thành nhà cung cấp dịch vụ

Mâu thuẫn giữa nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ được ví von như câu chuyện nhà mạng bỏ tiền xây những con đường cao tốc to đẹp, nhưng phương tiện chạy trên đó lại trả phần lớn lệ phí cầu đường cho các nhà cung cấp dịch vụ dọc trên con đường đó. Tại thời điểm này, nguy cơ nêu trên đã trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hệ thống mạng dữ liệu tốc độ cao 4G LTE sắp được triển khai trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, vấn đề sống còn quyết định sự phát triển của 4G là dịch vụ nội dung phải theo kịp sự phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm hiệu quả khai thác thương mại trên nền tảng công nghệ này nên đây đồng thời cũng là cơ hội để các nhà mạng trong nước có thể “biến” mình thành những nhà cung cấp dịch vụ thực thụ. Ngoài ra, các DN viễn thông Việt Nam cũng cần phải nhận thức, nắm bắt rõ được xu thế phát triển của thế giới trong những năm tới cũng như nhu cầu của người dùng để có kế hoạch và bước phát triển đúng đắn cho những sản phẩm dịch vụ của mình. Một lợi thế khác cần các DN viễn thông trong nước chú ý chính là khả năng Việt hóa các nội dung và dữ liệu, qua đó tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong nước, thu hút sự quan tâm hơn từ phía khách hàng.

Thực tế cho thấy, thời gian qua đã chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ của các nhà mạng trong nước, trong đó có việc xây dựng kế hoạch rõ ràng về việc ưu tiên phát triển các dịch vụ nội dung, dữ liệu và ứng dụng,… Động thái này rất quan trọng vì giúp các nhà mạng có thể bắt kịp được xu thế phát triển hoàn toàn mới của ngành cung cấp dịch vụ viễn thông trên thế giới hiện nay. Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Viettel đã thực hiện chuyển đổi bước đầu thành công để viễn thông không còn chỉ là thoại và tin nhắn mà còn là các dịch vụ viễn thông kết hợp CNTT và thiết bị điện tử để len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Doanh thu từ dịch vụ truyền thống (thoại và tin nhắn) trước đây là 100% thì nay chỉ còn dưới 50%. MobiFone cũng được tách khỏi VNPT để nâng cấp thành Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, với định hướng phát triển là cung cấp đa dịch vụ ra thị trường. VNPT cũng đã hoàn thành việc tái cấu trúc và thành lập các Tổng công ty, trong đó có Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT-Vinaphone là nòng cốt với các hạng mục kinh doanh được mở rộng bên cạnh dịch vụ thông tin di động truyền thống. Đây được cho là những bước đi hoàn toàn đúng đắn để các nhà mạng Việt Nam có thể nâng cao sức cạnh tranh trong “cuộc đua” với các nhà cung cấp dịch vụ; đồng thời, bảo đảm sự phát triển và tăng trưởng ổn định trong thời gian tới khi doanh thu từ các dịch vụ thoại và tin nhắn truyền thống đang suy giảm nhanh chóng theo thời gian.

Sau khi Viettel chính thức thử nghiệm 4G (ngày 12-12-2015) tại Bà Rịa-Vũng Tàu, VNPT cũng đã bắt đầu lên kế hoạch cho việc thử nghiệm 4G tại Phú Quốc và TP Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2016. Cục Viễn thông (Bộ TTTT) cho biết, Cục đã cấp phép thử nghiệm 4G cho ba nhà mạng là VNPT, Viettel và MobiFone. Mới đây, FPT cũng đã xin cấp phép thử nghiệm 4G. Hiện Bộ TTTT đang yêu cầu FPT bổ sung hoàn thiện hồ sơ để cấp phép cho thử nghiệm.