Tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân người dùng trên internet

NDO -

NDĐT – Sau khi xuất hiện thông tin 5 triệu tài khoản cá nhân của người dùng bị lộ, lọt trên Thế giới di động, ngày 9-11, Cục an toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra khuyến cáo nhằm tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân người dùng trên internet.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Xu hướng tấn công mạng để khai thác thông tin cá nhân của người dùng trở nên đặc biệt phổ biến trong năm 2018. Điển hình là tháng 7, truyền thông đưa tin 1,5 triệu khách hàng của SingHealth bị lộ, lọt, trong đó có cả thông tin của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Mới đây nhất, tháng 10 vừa qua, truyền thông cũng đưa tin Lầu Năm Góc (Mỹ) cũng bị lộ thông tin của 30.000 nhân viên.

Tại Việt Nam, mới đây cũng xuất hiện một số vụ việc ảnh hưởng đến dư luận xã hội khi có thông tin cho rằng người sử dụng dịch vụ trên mạng bị lộ, lọt thông tin cá nhân như: thư điện tử, số thẻ tín dụng, lịch sử giao dịch ngân hàng, giao dịch thương mại điện tử do đối tượng tấn công tăng cường thu thập thông tin cá nhân phục vụ các chiến dịch tấn công mạng, đặc biệt là phục vụ tấn công lừa đảo (phishing).

Để tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn thông tin, đặc biệt là bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng, doanh nghiệp, tổ chức, Cục An toàn thông tin đưa ra ba khuyến cáo.

Thứ nhất, các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường triển khai các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin phục vụ hoạt động nội bộ cũng như cung cấp dịch vụ trên mạng cho người sử dụng. Chủ động rà soát các điểm yếu, lỗ hổng trên hệ thống thông tin; theo dõi, giám sát phát hiện sớm nguy cơ, dấu hiệu tấn công mạng, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Với những doanh nghiệp không chuyên hoặc chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin, Cục An toàn thông tin khuyến nghị ưu tiên sử dụng dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin chuyên nghiệp do doanh nghiệp an toàn thông tin uy tín cung cấp. Đặc biệt là dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp trong nước như: Viettel, VNPT, CMC, BKAV, FPT,...

Khi phát hiện nguy cơ, dấu hiệu lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng, cần nhanh chóng khắc phục và kịp thời thông báo cho Cục An toàn thông tin và các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Thứ hai, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thu thập, lưu trữ, xử lý, truyền gửi thông tin cá nhân, đề nghị tuân thủ, thực hiện đúng các quy định tại mục 2 Chương II Luật an toàn thông tin mạng để bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng.

Các hoạt động thu thập, lưu trữ, xử lý, truyền gửi cần phải được áp dụng giải pháp kỹ thuật để mã hóa, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin tránh để lộ, lọt thông tin cá nhân, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng.

Thứ ba, người sử dụng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cung cấp thông tin cá nhân của mình cho các dịch vụ trên mạng. Luôn có thói quen kiểm tra, định kỳ thay đổi các thông tin xác thực để giảm thiểu nguy cơ lộ, lọt, mất an toàn thông tin cá nhân.

Bất cứ hành vi tấn công mạng trái phép gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Cục An toàn thông tin và cộng đồng CNTT/an toàn thông tin Việt Nam sẽ luôn đồng hành và sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng bảo đảm an toàn thông tin nói chung và bảo vệ thông tin cá nhân nói riêng.

* Chưa có dấu hiệu tấn công gây lộ, lọt thông tin cá nhân trên Thế giới di động