Nỗ lực giải quyết ùn tắc giao thông

Thông tin TP Hồ Chí Minh khởi động lại dự án làm việc, học tập lệch ca, lệch giờ để giảm ùn tắc giao thông đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Bên cạnh những ý kiến đồng tình cũng không ít người đề nghị các cơ quan chức năng thành phố cần có những phương án cụ thể để không gây xáo trộn, ảnh hưởng công việc, sinh hoạt và đời sống người dân.

Những năm gần đây, thành phố đã triển khai nhiều chương trình, dự án giao thông đô thị. Hàng loạt cầu vượt được xây mới ở các giao lộ có đông phương tiện qua lại. Nhiều tuyến đường được đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng... đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng giao thông của thành phố. Tuy nhiên, do số lượng phương tiện gia tăng quá nhanh, hạ tầng giao thông trở nên quá tải so với nhu cầu sử dụng, cho nên ùn tắc giao thông vẫn đang là nỗi bức xúc của người dân. Thực tế hiện nay cho thấy, trên tất cả các tuyến đường, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào, trong đó có những điểm xảy ra thường xuyên, kéo dài nhiều giờ. Mới đây nhất, ngày 29-7, hàng nghìn phương tiện ùn tắc hàng giờ liền trên các tuyến đường ra, vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đó, ngày 20-7, khu vực này cũng xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống, công việc của hàng chục nghìn người dân. Không riêng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, còn có hàng chục “điểm đen” ùn tắc giao thông khác cả ở khu vực nội thành, các quận vùng ven.

Phương án bố trí giờ làm việc, học tập lệch ca, lệch giờ được UBND thành phố đặt ra từ năm 2007. Theo đó, các trường bố trí giờ học của các khối lớp lệch nhau. Các trường có địa điểm gần nhau hoặc trong khu vực thường xảy ra ùn tắc giao thông thì bố trí giờ học, giờ tan trường khác nhau... Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, phương án nêu trên chưa được các cơ quan liên quan thực hiện.

So với năm 2007, hiện trạng giao thông thành phố có những thay đổi theo chiều hướng phức tạp hơn. Số đầu phương tiện tăng cao; tốc độ di chuyển trung bình của các loại phương tiện giảm xuống, nguy cơ ùn ứ luôn có thể xảy ra, số "điểm đen" ùn tắc còn nhiều; mất nhiều thời gian hơn để giải tỏa, đưa giao thông trở lại bình thường... Do vậy, việc thành phố dự kiến bố trí lại giờ làm việc lệch nhau được nhiều người ủng hộ.

Giờ bắt đầu làm việc liên quan đến mọi mặt hoạt động, sinh hoạt của toàn xã hội, với đối tượng tác động bao gồm tất cả các công sở, cơ quan hành chính, nhà máy, xí nghiệp, trường học..., đồng thời tác động trực tiếp đến hàng triệu người. Do vậy, việc sắp xếp giờ giấc cần có sự cân nhắc, tính toán cẩn trọng, hợp lý. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nếu thay đổi giờ học tiết đầu, giờ tan trường cũng cần tính toán phù hợp thời gian đưa đón của phụ huynh. Các cơ quan hành chính khi thay đổi giờ làm việc cũng cần xem xét yếu tố thuận lợi cho việc giao dịch của nhân dân, cơ quan, tổ chức...

Thay đổi lệch giờ, lệch ca làm việc chỉ là một trong các biện pháp hạn chế ùn tắc giao thông. Để giải quyết cơ bản tình trạng này, người dân mong muốn các cơ quan chức năng thành phố áp dụng thêm nhiều giải pháp khác như: Nhanh chóng triển khai các dự án hạ tầng giao thông; cải thiện, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng; đề ra lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; duy trì trật tự lòng đường, hè phố; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân; vận động thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông...