Thảo Cầm Viên Sài Gòn

NDO - Đối với người dân TP Hồ Chí Minh, nhất là các em nhỏ, được đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào những ngày chủ nhật hay những ngày nghỉ lễ là được đến với thế giới thiên nhiên hoang dã đầy sức quyến rũ. Người dân thành phố vẫn quen gọi nơi đây là Sở thú, bởi lẽ Thảo Cầm Viên còn nuôi nhốt hàng trăm loài động vật hoang dã, quý hiếm.

Con thú mà các em nhỏ thích nhất có lẽ là "con vỏi, con voi, cái vòi đi trước". Năm chú voi châu Á, trong đó có chú voi Chuông nặng đến 4 tấn và đã hơn 40 năm tuổi, luôn mang đến cho khách tham quan những phút giây thư giãn. Tê giác trắng và Sư tử trắng cũng là một trong những loài thú quý hiếm có mặt tại Sở thú. Khách tham quan sẽ rất hồi hộp khi đến tham quan khu chuồng cọp, trong đó có ba con hổ Ðông Dương và hai con hổ trắng. Nằm phía sau hồ sen là chuồng gấu với hai loài: gấu ngựa và gấu chó. Phía dưới hồ nước là hai con hà mã lớn và một con hà mã lùn. Ở Thảo Cầm Viên có một khu vườn dành cho cá sấu, trong đó có một con đực nặng hơn 400 kg, dài hơn 5 m. Ở đây cũng có một khu dành cho loài bò sát với những chú trăn đất, trăn gấm khổng lồ, rồng đất, cự đà xanh, kỳ đà hoa, kỳ đà vân, rùa răng, rùa trung bô, rùa núi vàng... Cạnh khu này là thế giới của loài thú ăn thịt kích thước nhỏ nhưng quý hiếm như: báo lửa, báo hoa mai, mèo gấm, cầy mực.

Giữa hồ nước ở Thảo Cầm Viên có một hòn đảo nhân tạo gọi là đảo vượn, nơi cư ngụ của gia đình vược má vàng, một loài linh trưởng bậc cao đặc hữu của Việt Nam. Ðảo vượn thứ hai gần hồ bơi Yết Kiêu dành cho voọc bạc, voọc vá chân nâu, voọc vá chân đen... Khách tham quan sẽ tận mắt chiêm ngưỡng những chú hắc tinh tinh "khôn như người" do vườn thú Lép-dích (CHLB Ðức) gửi tặng. Bộ sưu tập thú ở Thảo Cầm Viên còn có đàn nai, đàn hươu sao, hươu cao cổ và bầy linh dương với bốn loại sừng: kiếm, xoắn, đầu bò, thẳng. Sẽ rất ngạc nhiên đối với các em nhỏ khi phát hiện ra "có một loài chim không bao giờ bay"! Ðó chính là sáu chú đà điểu "chân dài" ngất ngưởng với thân hình to lớn đến kỳ dị. Những ai đam mê các loài chim sẽ thỏa sức ngắm nhìn các loài chim lớn như: đại bàng đầu trọc (sải cánh dài tới 3 m), đại bàng biển, ó biển, diều hâu, kền kền; một số chim thuộc loại hồng hoang như: niệc mỏ vằn, niệc cổ hung, các loại chim thuộc họ trĩ như: trĩ sao, công xanh Ðông Dương,  hồng hạc, thiên nga trắng, le le, vịt trời, bồ nông chân xám, cò lạo Ấn Ðộ, hạc cổ trắng, các loài vẹt và các loại gà rừng quý hiếm...

Sức hấp dẫn của Thảo Cầm Viên Sài Gòn không chỉ bởi các loài cầm thú quý hiếm mà còn bởi sự phong phú và lâu năm của các loài cây. Ít ai có thể hình dung ra được giữa trung tâm thành phố, trong một khuôn viên rộng 17 ha, lại có đến 500 loài cây xanh, bao gồm 2.100 cây thân gỗ và khoảng 500 chậu cảnh trưng bày cây cảnh, xương rồng, phong lan và bon sai.

Ấn tượng nhất là những cây cổ thụ có tuổi thọ vài trăm năm như: cây sóng rắn thơm (cao 40 m, đường kính thân cây tới 1,3 m), cây sọ khỉ (còn gọi là cây xà cừ) đường kính thân cây tới 3,2 m (phải sáu người ôm mới xuể), cây lòng mang lá cò ke, cây viết chát, cao vút có tán lá rộng che mát cả một khu đất... Ở đây cũng có một bộ sưu tập cây xương rồng phong phú bao gồm: kim giao, xương rồng búa, xương rồng ba cạnh, ngọc kỳ lân với tuổi thọ hơn 100 năm tuổi, đường kính gốc từ 30 cm đến 40 cm, thân đã hóa gỗ, cành tán sum suê. Ðó là chưa nói đến nhiều loại hoa, cây cảnh, bon sai quý hiếm như: kim quyết, cần thăng, nguyệt quế, mai chiếu thủy, mai vàng, me chua, trâm ổi, lan rừng, vàng anh, cát anh...

Thảo Cầm Viên được người Pháp xây dựng từ năm 1864 trên vùng đất hoang rộng 12 ha (phía đông bắc kênh Thị Nghè ngày nay). Sau hơn một năm công trình này hoàn thành và được đặt tên là Vườn Bách thú do ông J.B.Lu-i Pi-e (được điều từ Vườn Bách thảo Can-cút-ta - Ấn Ðộ) về làm giám đốc. Cuối năm 1865, khu vườn này được mở rộng tới 20 ha. Trong 12 năm phụ trách, ông đã có công sưu tầm và đưa về Vườn Bách thảo hơn 100.000 tiêu bản thực vật phong phú và hàng nghìn cây cổ thụ. Vào những năm đầu thế kỷ thứ 19, Vườn Bách thảo được mở rộng thêm 13 ha, sang tận bờ bên kia kênh Thị Nghè. Vì thế vào năm 1927, người ta phải cho xây một chiếc cầu nối liền hai khu. Năm 1956, Vườn Bách thảo được đổi thành Thảo Cầm Viên bởi lẽ từ đây, bên cạnh bộ sưu tập về thực vật đã dần dần hình thành bộ sưu tập về động vật hoang dã quý hiếm nhờ mở rộng quan hệ trao đổi, mua bán thú với nhiều nước trên thế giới.

Ðiều thú vị khi đến vui chơi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn là khách tham quan còn có thể ghé thăm Bảo tàng Lịch sử với nhiều hiện vật sinh động và Ðền thờ Vua Hùng uy nghi dưới những tán cây xanh.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một bảo tàng thiên nhiên quý giá, đồng thời là một di tích văn hóa, lịch sử của TP Hồ Chí Minh và cả nước, hàng năm thu hút hơn một triệu lượt người đến tham quan. Ðây không những là nơi vui chơi giải trí của người dân thành phố và khách du lịch trong và ngoài nước mà còn là một trường học sinh động, giúp các em học sinh tìm hiểu về thế giới thiên nhiên mà con người cần giữ gìn và bảo vệ.

THÀNH NHÂN