Nhạc sĩ Xuân Hồng và mùa Xuân

NDO - Mới đây đến Hội Âm nhạc thành phố (số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3), hỏi nhạc sĩ Hồ Bông, bạn thân trong kháng chiến của nhạc sĩ Xuân Hồng, về an-bum những ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ Hội Âm nhạc thành phố về mùa xuân, nhạc sĩ Hồ Bông cho biết: Nói Xuân mà không có bóng dáng của nhạc sĩ Xuân Hồng thì thiếu cả Xuân.

Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, quê ở Tây Ninh, vùng đất kháng chiến kiên cường, cho nên ông đi theo cách mạng từ rất sớm. Vùng quê ông sát với ngoại thành Sài Gòn, cho nên những năm tháng kháng chiến trường kỳ, là những kỷ niệm đẹp trong đời người cầm súng, cầm đàn hát cho các anh giải phóng quân nghe.

Ðầu mùa Xuân 1975, nhạc sĩ Xuân Hồng khi đó chứng kiến thời khắc năm cánh quân giải phóng tiến nhanh về Sài Gòn, ông cũng như bao nhạc sĩ khác đã hòa mình vào trong những đoàn quân đó. Lúc còn sống (nhạc sĩ mất năm 1996), ông từng kể lại, thời kỳ đó trong khí thế bừng bừng của những đoàn quân giải phóng, ông và nhiều nhạc sĩ cùng đi với các chiến sĩ, vừa đi vừa hát, hát thật to, hát cùng nhịp tiến quân. Và ca khúc nổi tiếng  Mùa xuân trên thành phố

Hồ Chí Minh ra đời như thế. Xuân Hồng là nhạc sĩ luôn cùng đi, cùng chứng kiến những trận đánh anh dũng, đầy hy sinh xương máu của những chiến sĩ giải phóng. Ông cũng là người thuộc nhiều làn điệu dân ca Nam Bộ, cho nên khi ông sáng tác bài nào về giải phóng, về chiến khu cũng dựa trên nền những làn điệu dân ca này. Và để khỏi quên, có lần trong chiến khu, ông đã lấy một loại lá cây rừng để ghi lời bài hát. Ðó là lá cây trung quân. Ðây là một loại lá phổ biến ở rừng miền Ðông Nam Bộ, nhất là tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở cửa khẩu Tân Biên, Tây Ninh. Lá có đặc tính to, dài, không bén cháy khi có lửa từ bom đạn Mỹ giội vào, cho nên rất bền, giữ được lâu. Lá trung quân có rất nhiều kỷ niệm với các nhạc sĩ chiến trường ở miền Ðông Nam Bộ. Ðó là trong những ngày phong ba bão táp giữa sự sống, cái chết, ông vẫn luôn lạc quan, yêu đời say mê sáng tác. Những bài hát mà giờ đây hàng triệu khán giả vẫn ghi nhớ trong lòng:

...Mùa xuân về trong chiến khu/ Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi

Mùa xuân về trong chiến khu/ Gió đưa cây rừng cành lá vi vu...

... Mai vàng, mai vàng đang nở lưng đồi...

Mai này xuân về hoa nở khắp nhà/ Tìm anh bộ đội em tặng món quà

Cùng anh kể chuyện đã qua/ Những ngày chiến chinh đời anh xông pha...

Khi Sài Gòn được giải phóng (30-4-1975), dù công việc bộn bề, nhạc sĩ Xuân Hồng vừa làm công việc quản lý ở Hội Âm nhạc thành phố, vừa chỉnh sửa hoàn thiện bài ca nổi tiếng về mùa xuân 'Mùa xuân này về trên quê ta / Ðã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói / Lưu danh đến muôn đời'...

Ấy thế mà mấy ai biết, phải ròng rã hơn mười năm nhạc sĩ Xuân Hồng gắn bó với núi rừng miền Ðông, với chiến khu để cho ra đời bài ca nổi tiếng đó, cũng như bao ca khúc về mùa Xuân đã luôn sống mãi trong lòng người nghe.