Nơi 100 năm trước Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

NDO - Ngày nay ai đến TP Hồ Chí Minh, không thể không háo hức tìm đến nơi cách đây vừa tròn 100 năm, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Những ngày đầu vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã tạm trú tại cơ sở của Phân cuộc Liên Thành Thương quán tại số 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn, trước khi xuống con tàu Amiral Latouche Treville ra đi tìm đường cứu nước. Ngày 19-9-1910, Bác Hồ từ Trường Dục Thanh - Phan Thiết vào Sài Gòn với cái tên Nguyễn Tất Thành  và tạm ở nơi căn nhà nói trên những ngày đầu.

Ban đầu, nhà ở trên dòng kênh, sau  bị lấp đi. Năm 1915, nơi đây đổi thành đường Tổng Ðốc Phương, nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Trong ba căn nhà đó, hiện một căn được giữ lại làm Khu di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm nay. Nhà vẫn giữ nguyên sự cổ kính của Phân cuộc Liên Thành Thương quán, nơi ủng hộ hết mình cho các nhà yêu nước hoạt động cách mạng.

Ðược sự giúp đỡ của ông Trương Gia Mô và ông Hồ Tá Bang, hai vị nhân sĩ nổi tiếng ở Nam Bộ - bạn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh),  vào tới Sài Gòn, lúc đầu Nguyễn Tất Thành được bố trí sống tại nhà ông Lê Văn Ðạt - một người bà con bên mẹ của cụ Trương Gia Mô. Hai ngày sau, Nguyễn Tất Thành đến ở tại cơ sở của Liên Thành Thương quán tại số 1-2-3 Quai Testard. Ðây là tổ chức hoạt động yêu nước gồm ba bộ phận với ba chức năng: Liên Thành Thương quán - làm kinh tế gây quỹ hoạt động, Liên Thành thư xã - tuyên truyền và truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước, Dục Thanh Học hiệu - mở trường dạy cho con em những người yêu nước và lao động nghèo theo tư tưởng truyền bá lòng yêu nước và tiến bộ. Hai cơ sở Liên Thành thư xã và Dục Thanh Học hiệu đóng tại Phan Thiết, còn Liên Thành Thương quán đóng tại Sài Gòn. Ông Nguyễn Trọng Lợi và ông Nguyễn Quí Anh là hai con trai của nhà yêu nước Nguyễn Thông - sáng lập viên đầu tiên của Công ty Liên Thành Thương quán tại Sài Gòn. Về sau còn có các ông Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trường Quang Nghiêm tham gia. Ông Trương Gia Mô đã từng ra bản điều trần gồm năm điểm gửi triều đình Huế, khi không được chấp nhận, ông đã từ quan về ở ẩn. Ông còn là tác giả của bài thơ phú bằng chữ Hán đề cao ý chí quật cường của giới sĩ phu, được người cùng thời truyền tụng. Chính ông Trương Gia Mô đã đưa Nguyễn Tất Thành vào dạy học tại Trường Dục Thanh và chính ông cùng hai nhà nho khác là Hồ Tá Bang, Trần Lê Chất chuẩn bị cho Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn với tên gọi mới là Văn Ba.

Trong thời gian ở Sài Gòn, Người vừa dạy học vừa đi làm ở trường thợ máy (Eécole des Mécaniciens), kể cả bán báo ở khu vực Thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn. Tuy ngắn ngủi, nhưng đây là thời gian hết sức quan trọng để Người chuẩn bị về vật chất lẫn tinh thần cho việc ra đi tìm đường cứu nước.  Thông qua sự giúp đỡ của ông Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Trần Lê Chất,  viên Công sứ Pháp đã cấp giấy thông hành cho Nguyễn Tất Thành với tên mới Văn Ba. Sáng ngày 2-6-1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi mới là Văn Ba đến xin việc làm trên tàu Amiral Latouche Treville, một tàu lớn vừa chở hàng, vừa chở khách của Hãng Năm Sao. Sáng 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành rời Phân cuộc Liên Thành Thương quán, và cũng là thời điểm con tàu rời bến cảng Sài Gòn (theo Hồ Chí Minh  - Biên niên tiểu sử  - Tập I - 1890 - 1930), đưa người thanh niên Việt Nam yêu nước ra đi tìm con đường giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, tại phường 14, quận 5 được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký quyết định công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia (năm 1988). Trước đó, năm 1977, di tích được ngành văn hóa - thông tin TP Hồ Chí Minh trùng tu, trưng bày một số hình ảnh liên quan đến Công ty Liên Thành, hình ảnh về Sài Gòn xưa thời kỳ 1910 -1911. Mỗi lần vào thăm di tích, lại nhớ về một thời đất nước trong vòng nô lệ, nhớ về người thanh niên có tên gọi Văn Ba tức Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ngày tháng ở đây, để rồi từ đây Người ra đi tìm con đường đúng đắn cho cách mạng giải phóng dân tộc.