50 năm, sen mãi ngát hương

NDO - Hằng năm, ngoài dịp kỷ niệm ngày thành lập, đúng rằm tháng 7, năm nào nhóm cựu diễn viên văn công Giải phóng cũng tổ chức lễ giỗ hội cho đồng đội đã khuất. Lễ giỗ hội năm nay, nhạc sĩ Thế Hải trào nước mắt khi đọc bài điếu mà riêng danh sách các vong linh dài đến ba phút.

Trong chiến tranh có tới hơn 40 liệt sĩ như Trần Hữu Trang, Hoàng Việt, Vĩnh Bảo, Sĩ Tô... Sau giải phóng lại thêm một lớp đàn anh tuổi cao sức yếu ra đi như Lưu Hữu Phước, Ngô Y Linh, Thái Ly - những đại thụ không chỉ của nhà hát mà của cả nền nghệ thuật nước nhà.

 Mỗi dịp gặp mặt là mỗi lần nhắc nhớ những kỷ niệm không quên. Với NSƯT Tô Lan Phương, thuộc thế hệ đầu tiên trực tiếp phục vụ đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước là mùa xuân 1968 được đứng hát trước một sư đoàn đang chuẩn bị xuất kích trong  chiến dịch Mậu Thân, rồi lại xuống hầm hát cho chỉ một thương binh bị hoại thư. Khi bài hát vừa dứt, anh lính trẻ rít một hơi thuốc cuối cùng rồi thanh thản nhắm mắt. Sau đó tên chị trở thành tên gọi của binh đoàn.

Trải qua bao hy sinh mất mát trong chiến tranh ác liệt lẫn những thử thách cam go thời hậu chiến, các thế hệ nghệ sĩ nhà hát vẫn luôn giữ trọn niềm tin, trụ vững với nghề, đạt được những thành tựu vượt bậc trong hoạt động biểu diễn phục vụ, thắp lửa nghề truyền thống. Ngày sáp nhập đoàn Ca múa Nhân dân miền nam và đoàn Múa hát Giải phóng (30-8-1976), nhạc sĩ Chánh Trực là một trong những người đề xuất lấy tên loài hoa đặc trưng của Nam Bộ - nay đang được đề cử là quốc hoa, làm tên gọi mới: Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc Bông Sen  với ý nguyện  giữ gìn và phát huy nghệ thuật dân tộc như giữ gìn vẻ đẹp thánh thiện và hương thơm thanh khiết của loài hoa vươn lên từ bùn tanh.

Những ngày này, Nhà hát Bông Sen đang rộn ràng với các hoạt động họp mặt, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các chuyến về nguồn trở lại nơi các thế hệ trước đã hát và ngã xuống... để kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển (1961 - 2011). Để có được chuỗi hoạt động đó là nhờ sự đóng góp của biết bao tấm lòng. Các nhà hảo tâm đã đành, ngay cả những người rời sàn diễn đã lâu, lương hưu không có,  bảo hiểm xã hội cũng không, vậy mà người 100 nghìn đồng, người 200 nghìn đồng tự nguyện gom góp "để lại được múa, được hát, được xem nhau hát, hoặc đơn giản là nắm tay nhau một lần vì mai kia, biết ai còn, ai mất".  Thế là có "Sen" với 15 tiết mục ca múa đặc sắc đưa ra biểu diễn ở Hà Nội, Hải Phòng trong tháng 8 và trở về phục vụ bà con ở TP Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 9.  Rồi có thêm "Bông sen giữa lòng thành phố" ra mắt tối 18-9 ở Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Trên sân khấu hôm đó quy tụ bốn thế hệ tiêu biểu của Nhà hát. Từ lớp nghệ sĩ gạo cội góp phần làm nên tên tuổi của Nhà hát như NSND Đỗ Lộc, NSƯT Tô Lan Phương, NSƯT Quang Lý, NSƯT Nhất Sinh, NSƯT Tuyết Mai tới thế hệ kế tiếp đã thành danh như các ca sĩ Thế Hiển, Ánh Tuyết, Cao Minh, Nam Khánh. Đặc biệt hân hoan là lớp măng non, tiêu biểu các học sinh múa năm thứ tư của Đại học Nghệ thuật Bắc Kinh, là sáu học sinh chuyên về nhạc cụ dân tộc, là 100 thành viên của CLB Những ngôi sao nhỏ. Với các em, đây không chỉ là một chương trình biểu diễn mà còn như là một đợt tìm hiểu về nơi mình đang sống, đang học tập với ý thức nâng niu và phát huy để hương sen mãi tỏa ngát.