Chống biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học Thụy Sĩ vừa công bố báo cáo khoa học, trong đó cảnh báo đến năm 2050, hơn 20% số thành phố lớn trên thế giới sẽ đối mặt thời tiết cực đoan chưa từng thấy, do nhiệt độ gia tăng làm tăng nguy cơ lũ lụt và hạn hán.

Ðể giảm bớt những tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã khẳng định vai trò quan trọng của các nguồn năng lượng tái sinh trong việc thực hiện mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ðáng mừng là trên thế giới đã xuất hiện xu thế sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh thay thế dần nhiên liệu hóa thạch. Dự báo, đến năm 2050, năng lượng mặt trời và năng lượng gió trong tổng nguồn năng lượng toàn cầu sẽ tăng từ mức 10% hiện nay lên mức 50%. Cùng với đó, tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm từ mức 65% hiện nay xuống còn 31%.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, qua đó ngăn chặn những tác động khó lường của tình trạng biến đổi khí hậu, chính phủ các nước cần bổ sung các khoản đầu tư mới và liên tục cải tiến công nghệ.

Về đầu tư phát triển năng lượng sạch, dự báo trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, tổng đầu tư toàn cầu cho lĩnh vực này sẽ là 13.300 tỷ USD, tập trung vào khâu truyền tải và phân phối năng lượng.