Vướng mắc từ cơ chế

Để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân các khu công nghiệp, theo ông VŨ VĂN PHẤN (ảnh bên), Phó Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cần giải pháp đột phá trong xây dựng thiết chế.

Vướng mắc từ cơ chế

- Thưa ông, số lượng công nhân làm việc ở các Khu công nghiệp (KCN) - Khu chế xuất (KCX) đang ngày một tăng cao, đi kèm nhu cầu bức thiết về nhà ở, nhà lưu trú cùng nhiều vấn đề liên quan chính sách an sinh xã hội cho đối tượng này. Tuy nhiên, thực tế vẫn đang cho thấy một khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng?

- Vấn đề nhà ở cho công nhân ở các KCN đã được Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực thi nhiều giải pháp, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH), tuy nhiên, kết quả thực hiện chỉ đạt 34% so mục tiêu, trong đó số lượng nhà ở công nhân đã hoàn thành chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu.

Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển NƠXH, ngày 25-1-2017, Bộ Xây dựng đã tham mưu và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg; trong đó giao chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển NƠXH, đặc biệt nhà ở cho công nhân.

Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm trong việc phát triển NƠXH và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân, ngày 12-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN - KCX và giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì triển khai Đề án này. Với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tất cả KCN- KCX đều có thiết chế của công đoàn bao gồm cả nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.

- Với nhu cầu lớn như vậy về NƠXH, nhưng rất ít DN hào hứng với thị trường này, vì sao?

- Đang có rất nhiều vướng mắc. Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là, sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay NƠXH. Hiện nay, ngân sách nhà nước mới chỉ thu xếp được gần 1.200 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và đến nay mới bố trí được khoảng 750 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân vay. Trong khi, chúng ta chưa có các nguồn tài chính khác để cho vay trung hạn và dài hạn với lãi suất thấp đối với việc phát triển NƠXH.

Ở các địa phương hiện có tới 226 dự án NƠXH đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại. Đó là chưa kể đến nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển NƠXH, cụ thể là: Chưa đưa chỉ tiêu phát triển NƠXH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm theo quy định. Trong quy hoạch đô thị, KCN chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án. Thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy đã được cải thiện, rút ngắn nhưng vẫn còn phức tạp, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài...

Hầu hết DN kinh doanh BĐS chưa quan tâm, mặn mà với việc đầu tư NƠXH do quy định về thủ tục xét duyệt đối tượng, kiểm soát giá bán chặt chẽ; các chính sách ưu đãi cho phát triển NƠXH tuy đã có nhiều nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn. Các DN sản xuất kinh doanh trong KCN chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình thông qua việc mua, thuê nhà ở, xây dựng NƠXH để cho công nhân thuê, mặc dù Luật Nhà ở cho phép chi phí mua, thuê, xây dựng NƠXH cho công nhân thuê được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập của DN.

- Vậy theo ông, cần có những giải pháp căn bản nào để khắc phục những vướng mắc đó, tạo cơ chế đủ sức hấp dẫn các DN mạnh tay đầu tư xây dựng nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân?

- Lúc này rất cần cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các DN tích cực tham gia phát triển NƠXH. Các địa phương phải tạo môi trường thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính... để huy động DN kinh doanh bất động sản, DN có sử dụng nhiều lao động tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân. Nhất thiết phải sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 héc-ta do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp.

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách về phát triển NƠXH để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tìm giải pháp sớm bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay NƠXH và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay. Xây dựng một số định chế về tài chính cho lĩnh vực nhà ở, trong đó có Quỹ tiết kiệm nhà ở để tạo thêm kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn cho phát triển NƠXH.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!