Ứng phó với giá thịt lợn tăng cao

Đứng trước việc giá thịt lợn tăng cao, có nơi thịt ba chỉ lên đến mức 200.000 đồng/kg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phải tổ chức cuộc họp khẩn bàn giải pháp bình ổn thị trường.

Ðiều đáng nói, đúng một tháng trước, khi giá thịt lợn lên đến mức 60.000 - 70.000 đồng/kg, mức cao nhất trong ba năm trở lại đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ đã yêu cầu phải có ngay kịch bản ứng phó với tình hình này. Nhưng ở thời điểm đó, Bộ NN&PTNT khẳng định, giá trong tầm kiểm soát. Kịch bản ứng phó là đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, thủy sản, đại gia súc để bù đắp vào phần thiếu hụt nguồn cung thịt lợn.

Theo báo cáo vừa được Cục Chăn nuôi công bố tại cuộc họp, đến nay, tổng sản lượng thực phẩm các loại tăng 390 nghìn tấn. Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, tổng đàn và cơ cấu đàn lợn chưa bị mất cân đối quá lớn.

Thế nhưng, thực tế là chỉ sau 30 ngày, Việt Nam đang ở tốp những nước có giá thịt lợn cao nhất thế giới. Lý giải được Bộ NN&PTNT đưa ra là do tâm lý lo lắng thiếu nguồn cung nên người chăn nuôi có tư tưởng găm hàng, nuôi lợn lên đến 170 đến 180 kg/con thay vì 90 đến 110 kg/con như thông thường để chờ tăng giá. Cùng với đó là hiện tượng vận chuyển theo đường mòn, lối mở sang thị trường lân cận. Tuy nhiên, ngay trong chính cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đã nhận xét thẳng "Bộ NN&PTNT chưa làm tốt chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ" khi giá thịt lợn tăng 18,64% vượt cả dự báo từ đầu năm.

"Phải khẳng định là có thiếu hụt nguồn cung chứ không phải chỉ do thương lái găm hàng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, "Người tiêu dùng thua thiệt, trung gian trục lợi thì cũng thuộc trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước. Muốn giải pháp đúng thì phải đánh giá đúng tình hình".

Vậy muốn đánh giá đúng tình hình, lúc này, cần phải làm rõ được vấn đề thiếu hay không? Cũng như đánh giá các giải pháp đã thực hiện có đủ sức giải quyết cung - cầu để bù đắp thiếu hụt? Một kế hoạch tái đàn như thế nào để bù đắp nguồn cung, cũng như không để dư thừa nguồn cung cần phải được xây dựng sớm. Phần thiếu hụt, cần sớm có kế hoạch nhập khẩu thêm từ các nước nhưng phải theo tinh thần Chính phủ sẽ bảo đảm điều hòa cung - cầu thịt lợn để hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) trong lưu thông, phân phối.

Nhìn đại cục, muốn bình ổn thị trường, trách nhiệm rất lớn Bộ NN&PTNT là làm sao tính toán chặt chẽ nguồn cung từng nhóm sản phẩm chăn nuôi; hướng dẫn địa phương tái đàn phù hợp và không bị dịch trong tái đàn và tăng cường đàn. Bên cạnh đó, cần khuyến khích để DN hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới bán lẻ góp phần điều tiết được giá. Người chăn nuôi cũng cần được vận động để kéo dài thời gian nuôi từ 25 - 26 tuần lên hơn 30 tuần, giúp tăng 20 - 30% sản lượng thịt.

Thời điểm cuối năm cận kề, sau đó là Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm thịt lợn dự báo tăng 25 - 30%/ngày. Nếu ngay lúc này không tập trung đồng bộ, chính xác, minh bạch các giải pháp bình ổn, e rằng, khó tránh được kịch bản rối loạn thị trường thịt lợn, gây thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi và người tiêu dùng.