Thầu yếu, chủ đầu tư càng phải mạnh

Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng, trong chuyến kiểm tra thực địa một số dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội mới đây, đã tiếp tục đưa ra yêu cầu phải đưa dự án đường sắt Cát Linh-Hà Ðông vào vận hành thương mại.

Thông tin mới nhất được Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đưa ra là dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp. Vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 97% khối lượng thiết bị, đã vận hành, chạy thử 13/13 đoàn tàu. Tuy nhiên, sau bốn lần điều chỉnh dự toán, tổng đầu tư dự án lên tới 18.001,59 tỷ đồng. Và dù dự kiến sẽ vận hành từ ngày 31-3-2019, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể vận hành.

Mới đây, trong văn bản trả lời cử tri Hà Nội về dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Ðông, Bộ GTVT thừa nhận, sở dĩ dự án chậm tiến độ là vì thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật. Ðồng thời, dự án bị chờ hợp đồng tài trợ được phê duyệt. Quan trọng nhất là tổng thầu của dự án - Tập đoàn Cục 6 Ðường sắt Trung Quốc - chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể theo hình thức hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC), dẫn đến lúng túng khi thực hiện và kéo dài thời gian thi công.

Mặt khác, theo Bộ GTVT, việc giải phóng mặt bằng do thành phố Hà Nội tiến hành rất chậm, ảnh hưởng tới dự án. Ngoài ra là các khác biệt, thiếu hụt về quy định và yếu tố kỹ thuật, tài chính, thủ tục… cũng khiến dự án bị kéo dài thời gian... Văn bản trả lời có một đoạn về trách nhiệm, năng lực của các cơ quan quản lý và quy định của Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu đối với loại dự án này.

Tuy nhiên, trả lời này cũng cho thấy thực tế khác, dù Bộ GTVT tránh thừa nhận. Với các khiếm khuyết hạn chế “nhiều vô kể” và ở đủ mọi khâu ấy đã cho thấy rõ sự yếu kém của chính Bộ trong lập và triển khai dự án này. Nói cách khác, năng lực yếu kém của bộ chủ quản mới là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc “không lường được các rủi ro tiềm tàng trong triển khai dự án”.

Ðiều đó cũng giải thích cho việc, vì sao mà Bộ GTVT “quyết liệt chỉ đạo”, mà dự án vẫn tiếp tục chậm vận hành thương mại. Dù như chính lãnh đạo Bộ xác nhận, dự án đã hoàn thành tới 99%, nhưng lại chưa biết khi nào có thể khai thác. Vậy nên mới nói, chọn thầu yếu cũng một phần do chủ đầu tư đâu có mạnh. Muốn thay đổi được kết cục, buộc lòng chủ đầu tư phải trước hết và trên hết là làm cho mình mạnh lên. Không được phép để các dự án giao thông quan trọng đang và sẽ còn được triển khai lặp lại vết xe đổ này!