Nông dân @

Đến hẹn, sự kiện thường niên Diễn đàn Kinh tế Mekong Connect 2019 lại được tổ chức vào đầu tháng 11 tại Cần Thơ, thu hút hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Năm nay, diễn đàn tập trung bàn sâu chủ đề “Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng - Tăng cường hội nhập thị trường”. Có những ý tưởng được hiến kế tại diễn đàn rất đáng để cân nhắc. Bởi nó mới mẻ và gợi mở cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL).

Chẳng hạn như ông Nguyễn Bá Quỳnh, Tổng Giám đốc của Global Cybersoft đưa ra gợi ý về việc xây dựng một “kênh YouTube” cho nông dân. Chiếc điện thoại thông minh đã không còn xa lạ với người nông dân nhưng để sử dụng nó một cách hiệu quả cho việc gia tăng giá trị nông sản là điều mà ít người nghĩ đến. Nếu đầu tư công nghệ thông tin cho nông dân một cách đúng hướng, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Thí dụ như, xây dựng một hệ thống - nền tảng có thể thu thập được tất cả những thông tin, dữ liệu liên quan trong quá khứ, hiện tại, để trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tổng hợp, phân tích… đưa ra những dự báo, lời khuyên cho nông dân với mức độ chính xác cao nhất. Ðiều ấy có thể “giải cứu” nông dân khỏi tình cảnh “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”.

Hay như, hãy thử hình dung một nền tảng số tương tự như YouTube, nơi nông dân có thể kết nối, chia sẻ sản phẩm của mình, sẽ được các ứng dụng AI phục vụ, và đoán biết được những “nhu cầu thầm kín” của khách hàng để giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ phù hợp. AI dựa trên dữ liệu mùa vụ thu thập được hằng năm, cũng làm nhiệm vụ thu thập các nguyên nhân gây nên những vụ việc cần “ứng cứu”, đồng thời nếu biết kết hợp cùng các chuyên gia dự báo trong mỗi lĩnh vực cụ thể, chúng có thể giúp đưa quyết sách phù hợp cho doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, nuôi trồng hay phân phối sản phẩm ở thời điểm ngặt nghèo. Ðó là bước đầu tư giản đơn và hiệu quả trong việc áp dụng công nghệ, nhằm xây dựng một nền kinh tế nền tảng cho nông nghiệp.

Thực tế đã chứng minh, công nghệ có thể giải được nhiều bài toán nan giải không riêng về canh tác, truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì, thương mại điện tử... mà cả một chuỗi giá trị cho nông sản - thứ mà cả nông dân và cả người tiêu dùng đều cần. Giá trị tăng lên thì sẽ kéo được doanh thu và lợi nhuận cho nông dân.

TS Nguyễn Thanh Mỹ - Tổng Giám đốc Rynan AgriFoods mang đến câu chuyện về việc xây dựng mạng lưới quan trắc nước thông minh để nông dân có thể biết được thông tin về nước sông thông qua điện thoại di động. Công ty ông cũng đã hình thành mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh để giúp nông dân dự đoán được về các loại sâu rầy, mật độ ra sao để ứng phó… Rõ ràng, ÐBSCL cần hơn những công cụ hỗ trợ như vậy từ công nghiệp, công nghệ để có nền phát triển bền vững, thích ứng và hội nhập.

Làm sao để chuyển đổi số góp phần hình thành nên nông dân, doanh nghiệp thời @, cũng như tạo nền tảng cho nền kinh tế, sản xuất bắt kịp xu hướng phát triển trong hiện tại cũng như tương lai, câu trả lời có được còn do ở sự nhạy bén chính sách từ các nhà quản lý.