Kỳ vọng và giải pháp

Dự án tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông (giai đoạn 2017 - 2020) vừa được Thủ tướng Chính phủ ấn nút phát lệnh khởi công xây dựng tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Sau khi dự án hoàn thành (năm 2021) sẽ kết nối với đoạn La Sơn - Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của quốc lộ 1A, đồng thời góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền trung.

Bên cạnh vai trò, hiệu quả của dự án mang lại, một trong những vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý chính là việc bảo đảm chất lượng công trình. Ngay tại lễ khởi công, người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ: Tình trạng bán thầu, hay những đơn vị thi công không có năng lực, không thực hiện đúng quy định, thiết kế... là một trong những nguyên nhân dẫn tới công trình kém chất lượng. Mặt khác, một số đơn vị thiết kế, thi công, giám sát thông đồng cùng với sự buông lỏng, tiêu cực của chủ đầu tư, hoặc chủ đầu tư bị mua chuộc, không phát hiện ra các quy trình, việc làm sai, dẫn tới rút ruột công trình khiến cho công trình sử dụng sau một thời gian đã xuống cấp, hư hỏng, xuất hiện ổ gà, ổ trâu... Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đặt ra nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện dự án Cam Lộ - La Sơn: “Phải là công trình tiên phong về mẫu mực, hình mẫu, làm gương cho các dự án khác, nhất là không để xảy ra tình trạng chất lượng không bảo đảm, dễ hư hỏng như một số công trình đã vấp phải thời gian qua”.

Nhìn nhận thực trạng cũng như trách nhiệm, ngành giao thông đang kỳ vọng sẽ “ghi điểm” ở dự án tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, bởi đây là công trình “mở hàng” cho toàn tuyến bắc - nam với chiều dài khoảng 654 km. Là công trình trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc bắc - nam có ý nghĩa rất lớn về an ninh quốc phòng, kinh tế - xã hội, song để các dự án thành phần được triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ và dự án khi đưa vào vận hành, theo nhiều ý kiến chuyên gia, thứ nhất, cần thực hiện đấu thầu cạnh tranh, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư. Thứ hai, quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án. Thứ ba, quản lý chặt chẽ chất lượng, giá thành xây dựng công trình. Thứ tư, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng, trong đó cần quy định chặt chẽ các tiêu chí và có đủ chế tài xử lý khi nhà đầu tư có vi phạm về chất lượng, tiến độ. Thứ năm, khắc phục bất cập về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, bảo đảm tính công bằng cho người sử dụng. Cuối cùng, áp dụng công nghệ thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng và có hệ thống giám sát trực tuyến để chống thất thu, bảo đảm tính minh bạch, công khai.