Kinh doanh nhân văn hơn

Lễ phát động Chương trình Đánh giá, công bố doanh nghiệp (DN) bền vững tại Việt Nam năm 2020 vừa được tổ chức tại Hà Nội. Sau 5 năm triển khai, bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) đã được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững (PTBV) của các DN tham gia Chương trình. Không dừng lại ở một cuộc thi để chấm điểm và trao giải, chương trình đã góp phần thay đổi tư duy và cách thức kinh doanh “vì lợi nhuận trước mắt” bằng tư duy “kinh doanh nhân văn, lợi ích kinh tế hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường trong dài hạn”.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hé lộ những lỗ hổng trong hoạt động quản trị và vận hành kinh tế, qua đó cho thấy, tầm quan trọng và tính cấp thiết của PTBV, CSI 2020 được nghiên cứu, cập nhật để phù hợp với những yêu cầu mới. Câu hỏi đặt ra là làm sao để DN ở mọi quy mô và lĩnh vực, thậm chí ngay cả các DN siêu nhỏ cũng có thể tham gia CSI? Nhất là khi đã đến lúc chúng ta không thể kinh doanh mà không tính đến việc đáp ứng những tiêu chí từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… Cũng như, không thể không tính đến các thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý về lao động và môi trường có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến 17 Mục tiêu PTBV và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV đã được đơn giản hóa và lồng ghép vào Bộ chỉ số CSI 2020.

Câu trả lời nằm ở tính thuyết phục của việc áp dụng CSI. CSI không chỉ dừng lại ở 127 chỉ số, mà đó chính là công cụ quản trị DN rất khoa học, hiệu quả, được xây dựng dành riêng cho DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ (DNVVN), các DN siêu nhỏ. Sẽ không có DN nào đứng ngoài cuộc khi đã trả lời được câu hỏi: “DN phát triển bền vững là gì? Muốn phát triển bền vững, DN cần làm gì?”.

Đây là thời điểm mà chính các DN siêu nhỏ có thể mang lại sự phục hồi cho nền kinh tế và họ cần được biết đến cũng như thực thi được CSI, một nền tảng quản trị bền vững. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chọi và phục hồi trong mọi kịch bản, hãy đưa CSI vào trọng tâm chiến lược quản trị của DN và áp dụng nó để lập báo cáo PTBV cũng như thường xuyên tham chiếu Bộ chỉ số để có thể kịp thời phát hiện những điểm yếu, thiếu sót trong quá trình vận hành, sản xuất kinh doanh để cải thiện, đồng thời nắm bắt những cơ hội tiềm năng để đầu tư...

Theo Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11-10-2019 về việc Phê duyệt kế hoạch PTBV DN khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong năm 2020 xây dựng đề án nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số CSI trong cộng đồng DN giai đoạn 2020 - 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu xây dựng hai triệu DN bền vững vào năm 2030 đang nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ. Có thể hình dung, hợp tác công - tư như một đôi cá chép, một khi đồng lòng sẽ giúp cả hai vượt vũ môn, hóa rồng. CSI hội tụ được điều đó, và chúng tôi tin vào một cộng đồng DN PTBV của Việt Nam có thể đưa đất nước vươn lên những nấc thang phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

--------------------------------------------

(*) Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)