Kẽ hở chuyển giá

Thời gian gần đây, vấn đề về chuyển giá và cách thu thuế “hậu chuyển giá” lại một lần nữa làm nóng dư luận khi Kiểm toán Nhà nước “chính thức” lên tiếng về “những hố đen trong câu chuyện chuyển giá”.

Lần này, cái tên khiến cho những người làm chính sách phải đặt câu hỏi về cách thu thuế “hậu chuyển giá” chính là Sabeco. Thực chất, chuyển giá doanh nghiệp là một thực tế đã rất phổ biến nhưng chỉ “gần gũi” với các doanh nghiệp “ngoại” có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, khi vấn đề này xuất hiện ở khối doanh nghiệp “nội” mà địa chỉ đầu tiên là Sabeco, từng là “doanh nghiệp nhà nước điển hình” thì nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như giới chuyên gia.

Thực chất, tại Việt Nam cho đến nay, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống cũng như đúng bản chất của nó. Và cũng từ đó, quy định của pháp luật, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về “vấn đề” chuyển giá cũng bị bỏ ngỏ.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã khẳng định, nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho NSNN trong đó có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán.

Đáng lưu ý, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghiên cứu về vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI và những vấn đề liên quan đến chính sách thuế. Mọi biểu hiện từ việc báo lỗ triền miên, lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh đến các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết có chi phí lãi vay quá mức thông thường… đều sẽ nằm trong “tầm ngắm” của các cơ quan nhà nước.

Về bản chất, mục đích của hoạt động chuyển giá là “tối thiểu hóa” nghĩa vụ nộp thuế trong doanh nghiệp nhằm “tối đa hóa” lợi nhuận sau cùng. Và khi thương vụ từ một doanh nghiệp nội có ảnh hưởng lớn với nền kinh tế vỡ lở thì thách thức về việc quản lý thuế và truy thu thuế tại Việt Nam mới bất giác được hình thành. Không chỉ vậy, khó khăn thứ hai mà Việt Nam phải đối mặt chính là “lỗ hổng kiến thức” từ việc kiểm toán, nghiên cứu về chuyển giá trong doanh nghiệp bởi hành vi chuyển giá vốn đã rất phức tạp và kinh nghiệm những người làm công tác thu thuế, làm luật thuế của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế.

Thu thuế - quản lý thuế là một chuyện, quản lý chuyển giá lại là một câu chuyện khác và cả câu chuyện quản lý đội ngũ những người làm công tác thuế cũng tiếp tục là một câu chuyện dài hơi mà ở đó, những khó khăn lớn nhất trong công tác chống gian lận thuế mới cơ bản lộ diện tại Việt Nam.