Để pháp luật đừng “đánh đố” thực thi

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV vừa ra Văn bản số 3051, về việc rà soát chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh, được nêu trong Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Kể từ khi VCCI công bố vào cuối năm 2019, Báo cáo về chồng chéo pháp luật đầu tư kinh doanh đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành thảo luận kỹ. Nhiều cuộc họp được triệu tập và đã có những tranh luận thẳng thắn chung quanh 25 vấn đề được “điểm danh” trong báo cáo này. Qua nghiên cứu và tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan cũng như các phiên thảo luận, có nhiều nội dung trong báo cáo của VCCI “là đúng và trúng, có cơ sở”, nhưng cũng có những nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các bên, do đó cần được nghiên cứu và tìm ra phương án đề xuất sửa đổi.

Do đó, Văn bản 3051 đã yêu cầu đích danh các bộ, ngành rà soát các nội dung liên quan trong Báo cáo của VCCI, đề xuất trình Chính phủ hướng xử lý phù hợp.

THỜI gian gần đây, hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta dần được hoàn thiện, có những bước tiến đáng kể trong tư duy quản lý và cách thức thiết kế chính sách. Những đạo luật quan trọng tác động trực tiếp đến doanh nghiệp (DN), môi trường đầu tư kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã có những cải cách và thúc đẩy quyền tự do kinh doanh mạnh mẽ. Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đặc thù, cần kiểm soát, đã được các luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn quy định, tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ cho hoạt động kinh doanh của DN. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta vẫn đang đối mặt bất cập: Sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản luật khi cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Có thể dễ dàng nhận thấy sự lúng túng của các cơ quan thực thi, khi gặp phải những quy định chồng chéo này. Nếu thực hiện linh hoạt tạo thuận lợi cho DN thì sẽ đối diện nguy cơ trái luật, nhưng nếu thực hiện theo đúng quy định thì quy trình trở nên rất rắc rối, kéo dài và thậm chí không thể thực hiện được. Nhiều cơ quan thực thi cấp địa phương đang phải đối mặt với sức ép của việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuy nhiên lại “bất lực” vì sự thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật.

Vậy nên, có thể hiểu được vì sao, các địa phương lại có phản hồi tích cực đến thế khi tiếp nhận yêu cầu rà soát lại các quy định đang “đánh đố” thực thi.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), đầu mối chính thực hiện báo cáo trên không giấu được niềm vui khi chia sẻ: “Về phía Quốc hội, hiện cũng đã có kế hoạch chi tiết giải quyết các chồng chéo giữa các luật tại những đạo luật đang chuẩn bị thông qua. Phía Chính phủ cũng vừa thành lập riêng một Tổ công tác về chồng chéo pháp luật do Bộ trưởng Tư pháp làm Tổ trưởng, Chủ tịch VCCI làm Tổ phó”.

Rõ ràng, khi bộ máy quản lý nhà nước đã coi Báo cáo nói trên của VCCI như công cụ giúp nâng cao hiệu lực quản lý, thì những rào cản kinh doanh sẽ được gỡ bỏ, DN có thêm niềm tin vào một môi trường kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ DN phát triển như cam kết của người đứng đầu Chính phủ.