Cổ phần cả... “tư duy quản lý”?

Bên cạnh vấn đề về quản lý đặc khu kinh tế, quản lý vốn, đất đai… của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sau thoái vốn cũng là một trong những vấn đề làm nóng nghị trường của Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Khi tư duy quản lý sau cổ phần hóa (CPH) gần như không thay đổi so với tư duy trước CPH, thất thoát nguồn ngân sách lớn của Nhà nước sẽ là điều khó tránh khỏi.

Ngay từ khi bắt đầu tiến trình CPH, lý do khiến các nhà đầu tư chưa mặn mà với các DNNN chính là do thông tin đấu giá thiếu minh bạch, quy trình thoái vốn chưa theo chuẩn quốc tế và hệ thống quản lý còn phức tạp, chồng chéo. Vấn đề này như một trong những lý do khiến tiến độ CPH mãi “ì ạch” và ở trong “vòng luẩn quẩn”.

Bản chất của cổ phần hóa DNNN là hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của DN để từ đó tạo ra được khu vực kinh tế tư nhân hoạt động hiệu quả, linh hoạt và quan trọng hơn cả là giảm chi phí quản lý cho Nhà nước mà vẫn giúp tăng khả năng quản lý và sự hiệu quả. Nhưng hiện nay, sự trì trệ, thụ động và bảo thủ trong tư duy đang khiến các DNNN sau CPH dường như chỉ là sự chuyển đổi mô hình mà chưa thể thật sự chuyển đổi về bản chất. Lối tư duy quản lý đó khiến nguồn lực về vốn và tài sản tại DNNN, đơn cử trong giai đoạn 2011-2016 đang không tạo được hiệu quả như mong đợi.

Theo báo cáo gửi đến Quốc hội, trong số các DNNN đã CPH (từ giai đoạn 2011-2016), thực tế chỉ có khoảng 8% số vốn trong các DNNN cổ phần hóa được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Điều này cho thấy, khối khu vực tư nhân tham gia vào bộ máy quản lý và “thiết kế” chiến lược sản xuất, kinh doanh tại các DN này còn quá hạn chế. Tư duy cải cách của nền kinh tế tư nhân chưa thể “len” sâu vào bộ máy quản lý của khối doanh nghiệp này.

Không chỉ khiến cung cách quản lý và kinh doanh bị giậm chân tại chỗ, tư duy quản lý “kiểu cũ” còn tạo nên nhiều rào cản trên con đường thay đổi về bản chất và quy mô quản lý DN của Nhà nước.

Trong kỳ họp này, nhiều đại biểu kiến nghị, Quốc hội cần giám sát tối cao việc quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa DNNN và cần mạnh tay trước những biểu hiện của “lợi ích nhóm”. Bên cạnh đó, còn cần thay đổi lối tư duy quản lý từ góc độ đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN và góc độ quản trị DN.

Quản lý hậu cổ phần hóa DNNN đang đứng trước thách thức: Làm thế nào để thay đổi lối tư duy kiểu cũ, làm thế nào để tách bạch vai trò làm kinh doanh và vai trò làm công cụ chính sách xã hội của từng cấp quản lý.

Câu chuyện của các DNNN sau CPH không chỉ dừng lại ở việc: Làm thế nào để không thất thoát, không lãng phí nguồn lực Nhà nước mà còn tiến đến việc thay đổi lối tư duy để hoàn thiện nguồn nhân lực, để hệ thống quản lý mang tính tinh giản, tinh nhuệ và đúng bản chất của quy trình quản lý thời kỳ đổi mới.