Chiến tranh thương mại và bài toán mới

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã và đang đẩy Việt Nam bước vào cuộc chiến kinh tế “không tên”? Tưởng chừng là một quốc gia nằm “bên rìa cuộc chiến”, nhưng do quan hệ thương mại liên đới, tính chất kinh tế bắc cầu đang khiến Việt Nam rơi vào nguy cơ trở thành “nước thứ 3” của những mối giao thương quốc tế?

Tối muộn ngày 15-6, Bắc Kinh đã tuyên bố đánh thuế vào 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong đó có ô-tô và nông sản. Mức thuế được áp dụng là 25%, có hiệu lực từ 6-7 tới. Hành động này diễn ra cùng ngày sau khi Mỹ thông báo áp dụng thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 34 tỷ USD từ 6-7 tới. 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác cũng đang được “xem xét” áp thuế. Và từ đó, chiến tranh thương mại của hai cường quốc kinh tế này chính thức bùng nổ. Trong tình thế đó, kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động dù ít hay nhiều - đó là nhận định của nhiều chuyên gia.

Xu hướng “lách thuế” hàng hóa của Trung Quốc sẽ có thể biến Việt Nam và một số nước trong khu vực trở thành “trạm trung chuyển” và có thể còn là nơi để giải tỏa cơn giận dữ của Mỹ bằng các lệnh trừng phạt áp thuế tương tự. Bên cạnh đó, khả năng “bán phá giá” hàng hóa của Trung Quốc cũng có thể tạo nên những bất ổn về thương mại xuất khẩu với các quốc gia trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có chuyên gia lạc quan cho rằng, việc áp thuế của Mỹ hiện chỉ nhắm vào các mặt hàng công nghệ cao, có tính đặc thù nhằm nâng cao quyền sở hữu trí tuệ và chủ trương bảo hộ nền kinh tế của Tổng thống Trump. Nhưng dù hệ quả của cuộc chiến thương mại đó nằm ở mức độ nào thì với Việt Nam - một nền kinh tế vốn chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường vẫn tồn tại những rủi ro khó lường trước nếu Việt Nam không có những bước đi trước đón đầu.

Hiện, Trung Quốc là quốc gia đứng số 1 về giá trị thương mại với Mỹ, với giá trị lên đến 75%. Trong đó, lương thực - thực phẩm chính là sản phẩm mà Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc. Việc Trung Quốc có giá trị thương mại cao nhất với Mỹ cũng phản ánh thâm hụt thương mại của Trung Quốc đứng đầu tại quốc gia này. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có thâm hụt thương mại với Mỹ xếp thứ 5 với ước tính hơn 38,3 tỷ USD.

Một Trung Quốc đứng đầu về giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang đứng trước khả năng “bị giảm tốc”, một Việt Nam đứng thứ 5 trong các quốc gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ với thế mạnh là nông nghiệp liệu có đứng trước thời cơ thay đổi thứ hạng? Tất cả đều nằm trong vấn đề thay đổi cách thức sản xuất, cách thức quản lý, quy hoạch trong nông nghiệp.

Nền nông nghiệp Việt Nam có quy mô chủ yếu vẫn là nông nghiệp cá thể, hộ gia đình. Quy trình chăn nuôi vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Đó là nguyên nhân của hiện tượng “vỡ quy hoạch”, “được mùa mất giá” của nền nông nghiệp Việt Nam thời gian qua.

Và bài toán kinh tế Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không còn lời giải nào khác ngoài việc chớp thời cơ và thay đổi cung cách quản lý, sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.