Cần cách tiếp cận mới

186 là con số cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, cháy nổ cần phải di dời trên địa bàn 12 quận của TP Hà Nội. Khi đưa ra thống kê này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cũng cho biết, trong đó có tới 26 doanh nghiệp (DN) đã ở tình trạng có cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Ðiều này đồng nghĩa với việc, hằng ngày có rất nhiều cư dân của thành phố đang phải chấp nhận sống chung với nguy cơ ô nhiễm môi trường và đáng sợ nữa là nguy cơ cháy nổ cận kề.

Mới đây, vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông đã một lần nữa cho thấy những cảnh báo về việc di dời gấp các cơ sở sản xuất trong nội đô là việc không thể chậm trễ hơn. Ngày 10-9, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TP Hà Nội đã ra công văn hỏa tốc về việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông. Theo đó, sau khi tẩy độc xong, Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu công ty phải khẩn trương di dời đến cơ sở sản xuất mới theo Quyết định số 130/QÐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn xa hơn, chỉ đạo của Thủ tướng còn có một vế quan trọng nữa. Ðó là, Hà Nội phải làm sao tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư. Ðiều này bấy lâu nay đang được thành phố triển khai với tiến độ rất chậm chạp.

Ðược biết, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội từng tổ chức gặp gỡ đại diện của 26 DN có cơ sở gây ô nhiễm để đối thoại tìm biện pháp di dời. Sau đó sở cũng đề xuất phương thức bắt buộc đối với việc di dời các cơ sở này đi kèm cam kết, đơn vị nào di dời sớm sẽ được hưởng cơ chế hỗ trợ về vốn, đất đai. Ðáp lại, quá ít DN lựa chọn đi tiên phong!?

Muốn giải quyết rốt ráo vấn đề phải bắt đầu từ đâu? Câu trả lời vẫn phải xuất phát từ cơ chế trách nhiệm và quyền lợi. Trước hết, trách nhiệm của chính quyền là xây dựng các khu cụm công nghiệp theo các quy mô khác nhau để di dời DN đến cho phù hợp. Các gói hỗ trợ cần được cụ thể như hỗ trợ thế nào về thuế thu nhập DN, về tiền thuê mặt bằng, thuê đất và một phần chi phí tái đầu tư nhà máy. Ðược thụ hưởng những hỗ trợ trên, DN buộc phải tuân thủ yêu cầu bắt buộc di dời mà thành phố đã đưa ra. Dĩ nhiên, để làm được điều đó sẽ cần đến sự vào cuộc và ý chí quyết tâm thực thi của cả hệ thống chính trị.

Nhưng sẽ là không thừa khi cần đến một cơ chế bảo đảm để diện tích đất bị thu hồi, trong đó có nhiều khu thuộc vào dạng "đất vàng" của thành phố phải được sử dụng tuân thủ quy hoạch đã có. Hà Nội có khoảng gần 60 quy hoạch phân khu phủ kín khu vực nội đô, xác định rõ chức năng đất đai của từng khu vực, thế nhưng vẫn có những diện tích đất thu hồi về đã kịp trở thành những chung cư cao cấp chất ngất gánh nặng lên hệ thống hạ tầng vốn đã quá tải.

Cư dân Hà Nội có quyền được sống trong một môi trường không bị ô nhiễm và được tận hưởng những tiện ích công cộng xứng đáng với niềm tự hào về một Thủ đô Xanh - Hòa bình!