Cách tiếp cận mới

Những tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến cho kinh tế thế giới bị đứt gãy bởi gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu. Ðiều đó đòi hỏi, thế giới cần thúc đẩy cách tiếp cận mới trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững hơn. Kinh tế tuần hoàn là một chủ đề được tập trung chú ý như một trong những giải pháp thiết thực cho hành tinh đang ngày một chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, từ những thách thức an ninh phi truyền thống.

Ðối với Việt Nam, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 nhằm hình thành ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của kinh tế tuần hoàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ giao là đầu mối để quản lý, thống nhất về chất thải rắn trong cả nước tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3-2-2019 của Chính phủ. Gần đây đã xuất hiện một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Ðà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO). Các điển hình này khi được tổng kết, đánh giá dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện về kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam. Tuy nhiên, xét tổng thể, kinh tế tuần hoàn vẫn còn ở dạng lợi thế tiềm năng nhiều hơn là được khai thác.

Thách thức lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp (DN) còn hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng. Người dân và DN còn thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Do đó, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, thuận lợi đối với kinh tế tuần hoàn; DN là động lực quan trọng, còn các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và người dân tham gia thực hiện.

Thêm nữa, Nhà nước cũng cần có khuôn khổ pháp lý cho “Ðổi mới - Sáng tạo”. Một khi thiếu yếu tố nền tảng này thì các quy định, các thiết chế đã không còn phù hợp sẽ trở thành rào cản của chính hoạt động “Ðổi mới - Sáng tạo”.

Việt Nam có thể cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào lộ trình của mình. Ðó là tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu vật liệu và tiếp cận các quy mô kinh tế, thành lập các không gian địa lý. Bên cạnh đó đề ra lộ trình tiếp thu thực hiện các nội dung khác của kinh tế tuần hoàn như khuyến khích năng lượng tái tạo, quay vòng tuần hoàn và hoàn thiện, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, điều cần thiết là đưa chủ trương thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vào Nghị quyết của Ðảng và Quốc hội ban hành luật thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, có chính sách khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và DN; xác định rõ ràng trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, DN phải chịu trách nhiệm làm hạt nhân nòng cốt. Chỉ khi thực hiện đồng bộ những yếu tố kể trên, chúng ta mới có thể xây dựng được nền kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ, làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.