Ðừng đùa với lửa

- Đã mấy ngày trôi qua rồi mà anh Ba đây vẫn chưa hoàn hồn đó Tư!

- Ừa, vụ cháy lớn vậy, thiệt hại nhiều người vậy đâu dễ nguôi ngoai được. Nhưng mà…

- Mà sao?

- Người ta nói thời gian là thuốc tiên sẽ làm lành mọi vết thương, vợi bớt mọi khổ đau.

- Ðã đành là vậy, nhưng để nguôi quên chắc là phải rất lâu. Nhất là những người trong cuộc. Nỗi đau có khi đeo đẳng suốt cả đời!

- Với người phải nếm trải, gánh chịu mất mát từ vụ cháy đó thì đúng là như vậy. Với người ngoài thì…

- Thì ba bảy hăm mốt ngày là người ta quên. Chắc chú mầy muốn nói vậy?

- Người ta quên cũng là sự thường, nhưng sợ nhứt là…

- Là chi?

- Người ta quên chuyện đau thương đó, rồi cũng quên luôn cả hiểm họa cháy nổ luôn rình rập và gây họa bất cứ lúc nào.

- Ý chú mầy là…

- Là người ta lại sống vui vẻ, vô tư và cả vô lo nữa. Không chú ý chi tới chuyện phòng, chống cháy nổ. Khi mấy người có trách nhiệm đi kiểm tra, nhắc nhở phải chú ý đề phòng nầy nọ, lại tỏ ý khó chịu, cho là bày đặt.

- Ờ, chuyện đó là có thật! Anh Ba từng biết có những nhà hàng, khách sạn khi đón đoàn kiểm tra rồi bị yêu cầu tuân thủ các quy định phòng cháy, chữa cháy, phải bổ sung trang thiết bị nếu không bị ngưng hoạt động còn vùng vằng cho là bị gây khó dễ để phải "chung chi"…

- Em cũng biết có nơi, người đến yêu cầu cho kiểm tra thiết bị, chấp hành quy định về phòng, chống cháy nổ. Thay vì đưa bình xịt lại trình bao thơ…

- Chung quy là chưa có nhiều người nhận thức được đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng, lợi ích to lớn của việc phòng, chống cháy nổ. Coi đó như là việc của ai chớ hổng phải việc của mình. Cho dù, lửa không trừ nhà ai cả.

- Cho nên, người ta vẫn bày hàng hóa đầy chật cả lối đi. Vẫn thắp nhang trong chợ, vẫn lén sang chiết ga trong khu dân cư, vẫn đưa dân vào ở chung cư khi chưa có đầy đủ hệ thống phòng cháy, chữa cháy, vẫn treo biển quảng cáo tấm lớn bịt hết mọi kẽ hở. Vẫn…

- Thôi thôi! Liệt kê chừng đó đủ rồi Tư. Quên chuyện chi thì quên, chỉ mong mọi người không quên một câu. Chỉ một câu thôi: Ðừng đùa với lửa!