Ðộng lực tinh thần

Tối cuối tuần rồi chú mầy có xem chương trình giao lưu, tôn vinh nghệ thuật xiếc thành phố Hồ Chí Minh. Có cả lãnh đạo thành phố tới dự nữa đó!

- Có phải là hai anh em Quốc Cơ, Quốc Nghiệp làm rạng danh xiếc Việt, người Việt trên trường quốc tế?

- Hai người đó là điểm nhấn của chương trình, có nhiều người khác nữa mà!

- Ờ, kể cũng lạ!

- Lạ sao Tư?

- Hồi nào tới giờ thành phố đâu có chuyện tôn vinh kiểu nầy. Mặc dù nghề xiếc ở thành phố đã có từ lâu rồi. Sao không dưng lại…

- Chú mầy nói đúng, là lần đầu tiên có chuyện giao lưu để tôn vinh nghệ thuật xiếc và tri ân và khen thưởng những ai đã cống hiến hết mình cho môn nghệ thuật đó. Ðó là chuyện tốt mà!

- Thì em đâu có nói, đó là chuyện không tốt mà chỉ thấy bất ngờ và thấy lạ!

- Lạ là sao?

- Là tưởng chuyện tôn vinh là chỉ dành cho những người, những việc, những nghề kỳ vĩ cao cả chớ!

- Vậy theo chú mầy những người, những việc, những nghề kỳ vĩ, cao cả đó là những người, những việc, những nghề chi?

- Thì là những người, những việc, những nghề có tầm cỡ, được người đời nể trọng đó!

- Chú nghĩ vậy là trật lấc à! Nghề chi lương thiện, có đóng góp tích cực cho xã hội, cho thành phố thì đều được coi trọng hết nha Tư! Cho nên anh Ba rất chi là…

- Là kết cái vụ nầy?

- Ðương nhiên rồi, ai làm việc tốt, dù nhỏ thì phải được tôn vinh, khen thưởng kịp thời, chu đáo. Ai làm việc sai, việc xấu thì bị xử phạt nghiêm minh. Thành phố mình đang hướng tới xây dựng đô thị văn minh và thông minh, có những thứ có tiền là làm được, nhưng có những thứ lại cần tới tình cảm, ý thức của mỗi người. Việc động viên, khích lệ người dân có những đóng góp cụ thể, thiết thực kiểu như vậy chính là một cách tạo ý thức và tình cảm hay còn gọi là: động lực tinh thần đó Tư!