Liệu pháp tinh thần

- Hổm rày dân tình cứ...

- Cứ làm sao?

- Hỏi nhau mỗi một câu.

- Câu chi?

- Bao giờ thì thành phố mình hết ngập!

- Chắc là tại dạo này hễ mưa là ngập. Mưa lớn, ngập lớn; mưa nhỏ, ngập nhỏ cho nên người ta mới lo lắng hỏi nhau câu đó. Vậy có ai đưa ra được câu trả lời không anh Ba?

- Chú đoán thử coi!

- Không cần phải đoán mà khẳng định chắc luôn là im lặng, lắc đầu và thở dài đầy ngao ngán, chán nản.

- Không chán nản mới là lạ. Bao nhiêu tiền của, công sức bỏ ra mà chưa giảm được ngập lại còn ngập nhiều hơn. Cơn mưa to hôm rồi đã làm cho hơn ba mươi con đường ngập nước.

- Anh Ba nhầm rồi.

- Nhầm sao được, báo chí liệt kê rõ ràng từng tuyến đường, tuyến phố mà, Tư Búa!

- Chỉ có 10 đường ngập nước, còn 22 đường khác bị “tụ nước” thôi mà!

- Trời đất, nước tụ lại không thoát được thì là ngập một trăm phần trăm còn chi nữa. Đừng lăm le đánh tráo khái niệm nghe Tư!

- Đâu phải tui lăm le làm vậy mà mấy ổng bên chống ngập nói vậy mà.

- Nói vậy mà nghe được à?

- Không nghe cũng phải nghe. Mấy ổng lý giải là nếu dứt mưa khoảng 30 phút mà đường còn ngập lớn hơn hoặc bằng 0,1m thì gọi là điểm ngập nước, dưới mức đó xíu xìu xiu thôi thì gọi là tụ nước.

- Nghe mà thấy lạ quá đi!

- Lạ sao anh Ba?

- Sao không tìm cách xử lý cho triệt để chuyện ngập nước trên thực địa mà lại đi tìm cách giảm nhẹ bằng ngôn từ để nghe cho êm tai. Ngập hay tụ nước, về bản chất vẫn là tắc đường thoát nước nên mới vậy.

- Nhưng nói "ngập" nghe nặng nề quá. Nói "tụ" nghe nó nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Cho dù, ngập hay tụ thì thực tế là người và xe cộ vẫn phải bì bõm trong nước.

- Ờ, hay là mấy ổng sử dụng ngôn từ vậy như là một liệu pháp tinh thần?

- Anh Ba nói hay quá! Là liệu pháp tinh thần để người nghe đỡ bức xúc, tránh được những suy nghĩ, hành động tiêu cực.