Gạn đục khơi trong!

- Hổm rày đọc báo, thấy người ta bàn nhiều tới một vấn đề gọi là…

- Văn hóa chung cư ở thành phố, phải không anh Ba?

- Ờ, nói vậy thì hóa ra chú mầy cũng quan tâm tới vấn đề này sao?

- Sao lại không! Nghe người ta trao đổi, bàn luận rất xôm tụ, hấp dẫn như phim dài dài tập với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố, mà nói gọn lại là đủ cả bi lẫn hài.

- Ờ, anh Ba cũng thấy vậy! Nhưng...

- Nhưng sao, anh Ba?

- Anh Ba thấy chê nhiều hơn khen!

- Thì có sao, người ta nói vậy mà, anh Ba! Hổng lẽ phải nói khác đi cho dễ chịu sao, trong khi thực tế có đủ…

- Ðủ một nghìn lẻ một chuyện phiền muộn, có phải ý chú mầy là vậy!

- Thì chính mấy người ở chung cư phát biểu vậy mà!

- Cứ cho là vậy đi, nhưng chung cư là nơi ở chung của nhiều người...

- Chuyện đó thì Tư tui cũng biết vậy mà!

- Ðã nhiều người thì mỗi người một tính, một nết, đâu có ai giống ai!

- Vì thế mới sinh chuyện chớ, anh Ba!

- Sinh chuyện là vì…

- Vì sao?

- Người ta cứ mải chăm chú nhìn vào những điểm không tốt của nhau để ấm ức, hậm hực.

- Ý anh Ba là...?

- Là cứ nhìn vào mấy chuyện không hay đó mà không nhìn thấy những mặt tốt của nhau. Một khi đã thành định kiến, không hài lòng về nhau thì có khi tốt cũng thành xấu, chuyện bé xé ra to. Việc đơn giản hóa thành phức tạp đó Tư!

- Thế phải làm sao giờ?

- Sống ở đời, một sự nhịn, chín sự lành. Sống chung với nhau càng phải biết nhường nhịn, chứ cứ hơn thua nhau từng lời ăn, tiếng nói là không ổn.

- Rồi sao nữa?

- Nên cư xử rộng lượng và cốt yếu nhất là phải nhìn thấy những mặt tốt, việc hay của nhau để thấy vui, thấy nhẹ nhõm trong người. Một khi đã vui vẻ, nhẹ nhõm thì…

- Chuyện chi cũng bỏ qua được, đúng không anh Ba?

- Chính xác! Mấu chốt để xây dựng được nếp sống văn hóa chung cư là ở đó. Trước hết phải mở lòng ra với nhau, nhìn vào mặt tốt của nhau để có sự thân thiện, tin cậy. Ðó là sự khởi đầu cho những mối quan hệ, giao lưu tốt đẹp.

- Như vậy người ta gọi là gạn đục, khơi trong đó, anh Ba!