Danh chính, ngôn thuận

- Sau đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông để kéo giảm ùn tắc, thành phố lại đang có…

- Ý tưởng thu phí ô-tô vô, ra một số quận nội thành cũng là để giảm bớt nạn kẹt xe. Có phải đó là điều anh Ba muốn nói?

- Chú mầy đúng là như ma xó, chuyện chi cũng biết hết à!

- Người ta đang đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến phản biện, bàn tán rần rần. Cần chi phải là ma xó mới biết!

- Vậy chú mầy có ý kiến chi về vụ nầy?

- Tư tui không có ô-tô nên không thuộc đối tượng bị điều chỉnh bởi đề án đó. Nhưng mà, theo lối nghĩ thông thường thì cứ phải móc túi chi thêm tiền là không ai thích hết.

- Ðương nhiên là vậy, nhưng để thành phố xanh - sạch - đẹp - thông thoáng, văn minh - hiện đại như mong muốn, mỗi người phải chịu khó hy sinh một chút quyền lợi cá nhân chớ.

- Em đang nói điều ruột gan của nhiều người mà. Còn nói về tinh thần trách nhiệm thì…

- Thì sao?

- Phải làm cho người ta thấu hiểu và thấy có lý, có tình, có căn cứ pháp lý, cơ sở thực tế nữa mới được.

- Như thế nào là cơ sở thực tế?

- Là phải điều tra, nghiên cứu kỹ để chứng minh cho người dân thấy nếu làm việc đó thì sẽ kéo giảm được bao nhiêu ô-tô vô, ra nội thành một ngày. Cộng lại một tháng, một năm là bao nhiêu. Từ đó suy ra sẽ kéo giảm được bao nhiêu vụ ùn tắc trong một năm. Phải thấy được hiệu quả, người ta mới ủng hộ.

- Còn cơ sở pháp lý?

- Chuyện nầy em "nghe hơi nồi chõ" từ mấy người am hiểu pháp luật nói là loại phí chống ùn tắc nầy không nằm trong quy định tại Luật phí và lệ phí, nếu không có phương án xử lý thì không ổn!

- Vậy phải làm sao giờ?

- Phải gỡ từ từ thôi, như là xin bổ sung vào danh mục thu phí, hoặc phải tính vào phí đường bộ cho đúng luật.

- Ờ, làm cách nào cũng được nhưng cái chính là phải phù hợp các quy định của pháp luật để bảo đảm tính chính danh. Vì như người ta vẫn thường nói, danh có chính thì ngôn mới thuận, mới có cơ sở để nói cho người ta nghe, người ta tin. Không chính danh thì khó mà thuyết phục!