Cạnh tranh lành mạnh

-Biết địch, biết ta trăm trận, trăm thắng, đúng không anh Ba?

- Thường thì là vậy nhưng mà... còn phụ thuộc vào vấn đề nắm vững những điểm mạnh, điểm yếu của cả hai bên. Coi bộ chú mày đang đụng độ với địch thủ nào đó?

- Sống hiền hòa, phải phép như Tư tui đây thì làm chi có địch thủ. Ðối thủ cũng không vì đâu ham hố chi chuyện ganh đua với đời.

- Vậy nói chuyện binh pháp làm chi?

- Ðể đánh giá một động thái mới của ngành giao thông thành phố thôi!

- Mới có khi nào?

- Hôm rồi thôi, anh Ba! Sở Giao thông vận tải thành phố vừa đưa ra nhiều giải pháp để phát triển giao thông công cộng trong 10 năm tới...

- Tưởng chi, vẫn là chuyện cũ mèm. Giải pháp đưa ra hoài à mà rồi đâu có giải thoát được giao thông công cộng. Tàu điện ngầm chưa có, xe buýt thì ngày càng lụt thê thảm. Lượng người đi giảm xuống dưới 10%. Phương tiện cá nhân với xe máy là chủ yếu vẫn thống lĩnh đường phố.

- Chính vì vậy mà mấy ổng bên ngành giao thông đã đặt thẳng vấn đề là... phải cạnh tranh bằng được với xe máy.

- Nghĩa là...?

- Lấy xe máy làm đối thủ cạnh tranh rồi lên kế hoạch, vạch ra giải pháp để xe buýt cũng có đủ lợi thế không thua chi xe máy. Tính cơ động cao, phù hợp với một thành phố có nhiều hẻm nhỏ lại hay tắc đường, kẹt xe. Chủ động được giờ giấc. Ðón tận cửa, trả tận nhà...

- Ðừng thấy người ta ăn khoai rồi cũng vác mai đi đào nha Tư.

- Ý của anh Ba là...

- Là cái xe buýt bự tổ chảng sao cơ động, luồn lách được như xe máy mà đòi cạnh tranh?

- Ðể khắc phục điểm thua kém đó, người ta đang tính phát triển hệ thống xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ; đầu tư các bến xe buýt, phát triển các đầu mối trung chuyển xe buýt; kết nối vận tải hành khách công cộng với giao thông cá nhân; kết hợp các tuyến giao thông công cộng với nhau. Tính liên hoàn sẽ tạo nên tính cơ động mà khỏi cần luồn lách.

- Nghe có lý! Khi nhắm vào một đối thủ cụ thể là xe máy để ganh đua thì tính khả thi sẽ cao hơn. Và đây chắc chắn sẽ là một cuộc cạnh tranh lành mạnh.

Tư Búa