Thái Nguyên tái đàn rất chậm sau dịch tả lợn châu Phi

NDO -

NDĐT - Với dân số 1,3 triệu người, trên địa bàn có hơn 100 nghìn công nhân, 60 nghìn sinh viên, là trung tâm các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ nên Thái Nguyên cần lượng thực phẩm lớn. Dịch tả lợn châu Phi làm cho tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nhưng việc tái đàn sau khi hết dịch diễn ra rất chậm.

Hiện nay, đàn lợn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chỉ bằng 75% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Hiện nay, đàn lợn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chỉ bằng 75% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi.

Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ ngày 5-3-2019 gây thiệt hại rất lớn, dịch bệnh bùng phát ở tất cả các xã, phải buộc tiêu hủy hơn 158 nghìn con lợn, với trọng lượng hơn chín nghìn tấn. Ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ gần 328 tỷ đồng cho việc phòng, chống dịch, trong đó hỗ trợ cho nhân dân có lợn bị tiêu hủy gần 266 tỷ đồng và đã được thực hiện xong trước Tết Nguyên đán 2020.

Đến ngày 21-1, toàn tỉnh có 175/175 xã có dịch đã qua 30 ngày không có lợn ốm chết và đến ngày 7-2 toàn tỉnh đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi ở tất cả các xã, nhưng việc khôi phục chăn nuôi lợn, tái đàn thời gian qua diễn ra chậm và đang gặp nhiều khó khăn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Nguyên Lê Đắc Vinh cho biết: “Đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là 501 nghìn con, trong đó có gần 99 nghìn lợn nái và đực giống, 402 nghìn lợn thịt, giảm hơn 26% so với trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Điều đó cho thấy, tái đàn, khôi phục chăn nuôi diễn ra rất chậm”.

Cụ thể, chỉ có 50% tổng số hộ có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy hoàn toàn tái đàn, quy mô tái đàn so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi chỉ bằng 30%, cao nhất là 50%. Ông Trần Văn Hưng ở xóm Hòa Bình, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình trước khi có dịch tả lợn châu Phi thường xuyên nuôi đàn lợn thịt gần 100 con, nhưng đến nay “treo” chuồng bỏ trống. Ông Hưng chia sẻ: “Giá lợn giống quá cao, khoảng hai triệu đồng/con, giá thức ăn chăn nuôi vẫn “neo” ở mức cao, trong khi chăn nuôi lợn hiện nay có nhiều rủi ro vì nhiều loại dịch bệnh; vệ sinh môi trường cũng đang gặp khó khăn nên không nuôi lợn nữa”.

Mặc dù thịt lợn đang thiếu hụt so với nhu cầu của xã hội, nhưng tái đàn diễn ra chậm là do giá lợn giống trên địa bàn tỉnh cao, từ 1,8 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/con; lợn giống thiếu, khó mua do đàn lợn nái bị tiêu hủy nhiều; nguy cơ tái phát dịch trở lại cao, hiệu quả chăn nuôi không cao, rủi do lớn… làm cho việc tái đàn diễn ra chậm. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã có dịch chủ yếu nuôi thử, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có dịch thì quy mô chăn nuôi cũng giảm do khan hiếm con giống.

Ông Lê Đắc Vinh cho biết thêm: “Không chủ quan lơ là việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, nên chúng tôi vẫn tổ chức giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi, chú trọng giám sát tại các ổ dịch cũ, vùng nguy cơ phát dịch, gắn trách nhiệm giám sát và xử lý ổ dịch cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân viên thú y, vận động các tổ chức đoàn thể và nhân dân tích cực cùng tham gia nhằm phát hiện sớm các ổ dịch ngay từ khi mới xuất hiện để xử lý triệt để. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân tái đàn theo hướng an toàn”.

Dịch tả lợn châu Phi làm cho tỉnh Thái Nguyên và nông dân thiệt hại rất lớn. Tuy nhiên, sau dịch cần tổ chức lại ngành chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, xác định đây là giải pháp mang tính cốt lõi trong công tác phòng, chống dịch bệnh để phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững. Triển khai xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn gắn với các chuỗi sản xuất, tiêu thụ, cung ứng sản phẩm an toàn, thực hiện truy xuất các sản phẩm chăn nuôi.