Giải pháp nào cho Cocobay Đà Nẵng trước giờ G?

NDO -

NDĐT - Ngày 30-12 tới là thời hạn cuối cùng để nhà đầu tư thứ cấp lựa chọn nhận bàn giao tài sản để tự khai thác kinh doanh hoặc thanh lý hợp đồng mua bán, nhận lại tiền. Sau thời hạn này, nếu khách hàng không lựa chọn bất cứ giải pháp nào do phía chủ đầu tư đưa ra, các hợp đồng sẽ bị thanh lý/hủy bỏ.

Giải pháp nào cho Cocobay Đà Nẵng trước giờ G?

Đối thoại để tìm điểm cân bằng
Câu chuyện chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng dừng chi trả cam kết lợi nhuận 12%/năm và đưa ra ba giải pháp cho nhà đầu tư lựa chọn là chủ đề nóng, luôn được quan tâm trong hơn một tháng qua bởi sự việc sẽ trở thành tiền lệ cho thị trường căn hộ condotel đang phát triển mạnh mẽ tại nước ta thời gian qua.

Nói cách khác, việc thành công hay thất bại của dự án này trong việc giải quyết quyền lợi với khách hàng sẽ góp phần quyết định sự tăng hay giảm nhiệt đối với thị phần căn hộ condotel trên thị trường. Tất cả các chủ đầu tư condotel và nhà đầu tư thứ cấp đều đang nhìn vào sự vụ Cocobay Đà Nẵng để có cho mình một đường hướng.

Khi chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng tuyên bố dừng cam kết lãi suất trả cho nhà đầu tư, đã có những lo ngại về “hiệu ứng domino” cùng với đó là những tác động tiêu cực cho thị trường. Theo nhiều chuyên gia, khó xảy ra “domino” song tác động tiêu cực là có, trong đó lớn nhất là khủng hoảng niềm tin, cùng những vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền lợi của khách hàng tại các dự án này.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách toàn diện, qua những vụ việc như vậy thị trường sẽ có nhiều “bài học” để phát triển bền vững hơn. Trong đó, bài học đối với chủ đầu tư sẽ là việc minh bạch thông tin, sự thấu đáo, cẩn trọng hơn trong quá trình phát triển dự án, kinh nghiệm quản trị rủi ro dòng tiền. Nhà đầu tư thứ cấp cũng có bài học lớn. Đừng nghĩ đầu tư chỉ là câu chuyện lợi nhuận. Nó còn là tính thanh khoản, chi phí giao dịch… cùng nhiều rủi ro khác cần tính đến”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành thẳng thắn nhận định.

Ông Nguyễn Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đông Tây Land cũng cho rằng: Vụ việc Cocobay chỉ là tai nạn, một dự án không phải là mẫu số chung cho cả thị trường. “Sau sự việc Cocobay chúng ta có thời gian để đánh giá lại, khách hàng cần đánh giá lại năng lực của chủ đầu tư, tiềm năng của từng sản phẩm, vận hành của từng chủ đầu tư. Các chủ đầu tư cũng thông qua việc này xem lại các cam kết, thực hiện, dịch vụ tiện ích có bảo đảm cho nhà đầu tư tin tưởng hay không”.

Bà Trần Thị Mỹ Lộc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty CP Vinhomes chia sẻ. “Tôi xem vấn đề của Cocobay trong một hình ảnh đoàn quân thì có một anh lính ngã xuống, nhưng cả đoàn quân vẫn tiến về phía mặt trời. Cá nhân tôi nhận định chủ đầu tư Cocobay đã làm một việc dũng cảm và trách nhiệm, tôi trân trọng những gì chủ đầu tư Cocobay đang làm để giải quyết vấn đề với khách hàng. Còn về tương lai, thị trường cần trở về đúng như của nó, vẫn phải phát triển theo đà của nó, không có hệ lụy”. Cũng từ góc nhìn của người đầu tiên tham gia phát triển condotel ở Việt Nam, bà Lộc thêm: “mối quan hệ chủ đầu tư và khách hàng như vợ chồng, luôn sát cánh với nhau”.

Đồng quan điểm với bà Lộc, ông Võ Trí Thành cho rằng đối thoại là cách đầu tiên nên làm để tìm điểm cân bằng. Điều tích cực trong vụ việc này đó chính là sự “thiện chí” đối thoại.

Đâu là giải pháp tốt nhất?
Trong bối cảnh condotel mới phát triển và còn chưa có hành lang pháp lý thì rất khó tránh khỏi những bất cập, lúng túng, thậm chí đổ vỡ cho cả hai bên- chủ đầu tư – nhà đầu tư, khi theo đuổi mô hình này. Tuy nhiên, khi sự việc không được thuận lợi, điều tốt nhất vẫn là giải pháp đối thoại để tìm tiếng nói chung.

Chủ đầu tư dự án Cocobay đã từng gửi lời xin lỗi nhà đầu tư thứ cấp cũng như các chủ đầu tư condotel khác vì mình mà bị ảnh hưởng và đã luôn thiện chí tiếp thu mọi phản hồi của khách hàng khi đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong suốt hơn một tháng qua, công ty CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô đã có ba lần gửi văn bản đàm phán với khách hàng cũng như tổ chức các buổi đối thoại với toàn bộ hơn 1.000 khách hàng.

Mới nhất, ngày 19-12-2019, công ty Thành Đô đã gửi văn bản thứ 3 tới toàn bộ khách hàng, điều chỉnh các giải pháp theo yêu cầu của các nhà đầu tư. Theo đó, có hai nhóm giải pháp chính. Nhóm 1: Bàn giao tài sản cho chủ sở hữu tự khai thác kinh doanh. Chủ sở hữu nhà liền kề tại khu nhà ở liền kề Hoàng Gia, khu nhà ở liền kề Vườn Phố được nhận lại tài sản là nhà ở liền kề, bao gồm nội thất theo hợp đồng mua bán đã ký. Đồng thời, tài sản được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Mỗi tháng, chủ sở hữu thực hiện nộp phí dịch vụ do Thành Đô công bố dựa trên nguyên tắc bảo đảm đủ chi phí vận hành hạ tầng dự án, tòa nhà và được phân bổ tương ứng với diện tích nhà liền kề của chủ sở hữu.

Nhóm 2: Thanh lý hợp đồng mua bán, nhận lại tiền từ Thành Đô. Thành Đô sẽ trả lại toàn bộ số tiền khách hàng đã thanh toán sau khi trừ đi các chi phí, bao gồm: 50% chi phí bán hàng, ứng với 2,5%/giá trị căn nhà; phí hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng (nếu có) và chi phí phát hành bảo lãnh (nếu có). Trong đó, giá trị căn nhà là giá trị trên hợp đồng mua bán đã ký, không bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo trì.Thành Đô cam kết thanh toán toàn bộ số tiền cho khách hàng trước ngày 30-9-2020. Cam kết này sẽ được bảo lãnh bởi ngân hàng nếu khách hàng yêu cầu.

Trong thời gian khách hàng chưa nhận được tiền, Thành Đô sẽ chịu trách nhiệm thanh toán tiền lãi 10% mỗi năm cho số tiền chưa được thanh toán. Ngoài ra, khách hàng sẽ được nhận đầy đủ thu nhập cam kết của các kì 2017, 2018 và 2019 trước ngày 30-9-2020 theo đúng thỏa thuận hợp đồng đã ký.

Công ty Thành Đô cũng khẳng định sẽ thanh toán dứt điểm thu nhập cam kết năm 2019 trước ngày 30-9-2020, bàn giao tài sản cho khách hàng ngày 28-2-2020 và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liên với đất trong tháng 6/2020.

"Trong trường hợp khách hàng không chọn bất cứ giải pháp nào đã làm rõ bên dưới thì sau ngày 1-1-2020, Công ty Thành Đô sẽ cùng tổ chức hành nghề luật sư được ủy quyền lập kế hoạch làm việc cụ thể từ ngày 2-1-2020 đến ngày 19-1-2020 để giải quyết thanh lý/ hủy bỏ Hợp đồng mua bán với quý khách hàng" văn bản của Thành Đô ngày 19-12 nêu rõ.

Thông tin từ phía công ty Thành Đô ngày 25-12 cho biết, đã có hơn 1000 khách hàng đồng ý với một trong hai nhóm giải pháp nêu trên. Qua trao đổi, đa số khách hàng chọn phương án chuyển đổi căn hộ sang chung cư, sau đó ký hợp tác cho thuê với tập đoàn của Pháp, Nhật do chủ đầu tư giới thiệu. Một số khách hàng chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư, đồng ý giữ nguyên căn hô condotel để tự kinh doanh khai thác hoặc thuê đơn vị quản lý vận hành chủ đầu tư giới thiệu.

Khách hàng Trần Minh Nghĩa, chủ sở hữu căn COR3R-1918 cho biết, ông đồng ý phương án giữ nguyên là căn hộ Condotel và tiếp tục đồng hành cùng Công ty Thành Đô. Khách hàng Trần Thị Phương, chủ sở hữu Coco Ocean Spa Resort R1910 cũng lựa chọn giải pháp giữ lại căn hộ condotel. Khách hàng Tạ Ngọc Tùng, chủ sở hữu BH1-05 đồng ý giữ lại condotel và tiếp tục tin tưởng đồng hành cùng chủ đầu tư. Khách hàng Đặng Đức Hoàn , chủ sở hữu căn hộ S2 -2303: “Tôi đã hiểu những khó khăn không mong muốn mà công ty gặp phải. Với các giải pháp công ty đưa ra tôi đã xem và thật sự khó khăn trong lựa chọn. Bởi vì tôi cũng thật sự khó khăn về dòng tiền. Tôi đề xuất chọn phương án chuyển thành căn hộ chung cư, sau đó ký hợp tác cho thuê với tập đoàn của Pháp , Nhật để có nguồn TNCK trả lãi SHB. Khách hàng Lâm Thúy Hạnh, chủ sở hữu R1-2711 tòa Coco Ocean Resort chọn giải pháp “ Thanh lý hợp đồng mua bán , hoàn lại tiền cho chủ sở hữu. “ Vợ chồng tôi đều là cán bộ hưu trí, trên tinh thần hợp tác và chia sẻ, đề nghị quan tâm cho triển khai các thủ tục để thanh lý HĐ trong tháng 1/2020”, bà Hạnh đề nghị.

Một số ít khách hàng không đồng tình với cả hai nhóm giái pháp và đã đệ đơn lên tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. “Đến nay, khách mua bất động sản tại Cocobay chưa thiệt hại gì bởi chủ đầu tư vẫn chi trả lợi nhuận cam kết với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng, chúng tôi vẫn cam kết chi trả đầy đủ đến 31-12-2019. Các phương án được đưa ra tới nay đã có những chỉnh sửa phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của số đông chủ sở hữu trên tinh thần khách hàng cảm thông, chia sẻ, cùng chủ đầu tư giải quyết bảo đảm quyền lợi cao nhất cho chủ sở hữu. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ, cảm thông của chủ sở hữu song trường hợp chủ sở hữu không chia sẻ được với chúng tôi thì chúng tôi chấp nhận việc đưa ra toà giải quyết”, đại diện pháp lý của Công ty Thành Đô cho biết.

Bình luận về việc này, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng: lựa chọn khởi kiện ra tòa sẽ rất mệt mỏi song chủ đầu tư đã nhận sai, sẵn sàng chấp nhận bị kiện, đó là sự văn minh. Do đó, nếu chủ đầu tư và nhà đầu tư khi đối thoại rồi vẫn không tìm được tiếng nói chung, điểm cân bằng thì rõ ràng không còn cách nào khác hai bên sẽ ra toà để phán xử.

Sớm hoàn thiện khung pháp lý về bất động sản nghỉ dưỡng
Ðịnh danh loại hình bất động sản mới