Chuẩn bị kỹ đón “sóng” EVFTA

NDO -

NDĐT - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn được dự báo sẽ mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa, đóng góp vào tăng trưởng GDP hơn 2,2% vào những năm đầu tiên, nhưng có thể tăng lên rất cao vào năm 2030, 2035 khoảng 4-5%... Tuy nhiên, cơ hội chỉ đến với các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ càng.

Doanh nghiệp thủy sản nỗ lực đáp ứng yêu cầu chất lượng từ thị trường EU.
Doanh nghiệp thủy sản nỗ lực đáp ứng yêu cầu chất lượng từ thị trường EU.

Cơ hội kèm thách thức
Là một trong những thị trường chủ lực, hiện EU đang chiếm khoảng 1/3 thị phần xuất khẩu (XK) của Công ty Thực phẩm Sao Ta (Fimex). Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Fimex cho biết, hiện Fimex chủ yếu XK sản phẩm tôm tinh chế sang EU ở phân khúc cao cấp. Với mức thuế giảm mạnh, EVFTA sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho sản phẩm Việt Nam so với đối thủ chính của thủy sản Việt tại EU là Thái Lan.

Để đón đầu cơ hội từ EVFTA, thay vì tập trung vào lợi nhuận, thời gian qua, Fimex đã kết hợp chặt chẽ với người nông dân để có được nguồn nguyên liệu chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Trong bối cảnh truy xuất nguồn gốc là một trong những yếu tố quan trọng đối với sản phẩm XK vào EU, việc hợp tác này sẽ giúp kim ngạch XK vào EU gia tăng và bền vững.

Cùng với Fimex, nhiều doanh nghiệp (DN) khác đã và đang có sự thay đổi tích cực nhằm đón đầu cơ hội được dự báo rất lớn từ EVFTA. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Hiệp định EVFTA gồm những nội dung có yêu cầu cao, khác biệt so với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác như CPTTP. Do đó, lợi thế của EVFTA không đơn thuần là giảm hoàn toàn hàng rào thuế quan về 0% cho gần như 100% hàng hóa của hai bên mà những nội dung của hiệp định còn hàm chứa những hoạt động cải cách của hai bên để tạo môi trường thuận lợi minh bạch, công khai cho sự phát triển thuận lợi đối với các hoạt động của cả nền kinh tế, xã hội chứ không chỉ cho riêng hoạt động kinh tế, thương mại.

“Như tính toán của các nhà nghiên cứu, Hiệp định EVFTA ngay lập tức sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho kinh tế Việt Nam, cho DN, sản phẩm của Việt Nam. Dự tính, mức đóng góp vào tăng trưởng GDP là hơn 2,2% vào những năm đầu tiên, nhưng có thể tăng lên rất cao vào năm 2030, 2035 khoảng 4-5%... Mặc khác, việc Việt Nam trở thành thành thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN thì EVFTA sẽ giúp nâng cao vai trò và tầm ảnh hưởng của Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Trong bối cảnh hiện nay, Hiệp định EVFTA sẽ có tác dụng rất tích cực ở chỗ nó có hiệu lực ngay sau khi phê chuẩn. Rất nhiều mặt hàng sẽ ngay lập tức được giảm thuế về 0%, đặc biệt là đối với những ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, có lợi thế XK và EU có nhu cầu như nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may… Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 chia sẻ thêm, thị trường tiêu thụ may mặc của EU là rất lớn. Do đó, khi được giảm thuế về 0%, cùng với các thuận lợi khác sẽ giúp cho DN ngành dệt may tận dụng cơ hội gia tăng kim ngạch, điều chỉnh thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Khi thông qua, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp May Sài Gòn 3 tăng trưởng XK khoảng 20%.

Tuy nhiên, EU được đánh giá là thị trường khó tính và đòi hỏi cao bậc nhất thế giới. Do đó, chiếm lĩnh thị trường này không phải điều dễ dàng. TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho hay, vì đây là Hiệp định chất lượng cao nên đòi hỏi rất nhiều sự điều tiết của Nhà nước về đa dạng hóa thị trường, tái cấu trúc DN và nền kinh tế. Về phía DN, thách thức là phải làm sao lập kế hoạch để tái cấu trúc, xây dựng lại hệ thống các đối tác, thị trường. Đồng thời giải quyết được những khó khăn nội tại mà ta đang gặp phải.

Đơn cử, nông sản là mặt hàng ta có tiềm năng XK. Tuy nhiên, để tận dụng được thị trường, phải tiếp tục xử lý một cách có hiệu quả những vấn đề vướng mắc mà chúng ta đã và đang đối mặt như vấn đề “thẻ vàng” của EU đối với hải sản của Việt Nam. Việc gỡ bỏ được “thẻ vàng” sẽ không chỉ giúp gia tăng kim ngạch XK, mà còn giúp nâng cao vị thế thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thị trường.

Hoặc từ ngày 1-1-2019, DN Việt Nam XK hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP C/O form A (REX). Phía EU cho Việt Nam thời gian chuyển tiếp 12 tháng và được gia hạn thêm sáu tháng, tức là quy định này có hiệu lực từ tháng 6-2020. Đây là yêu cầu bắt buộc của EU đối với một số nước, trong đó có Việt Nam.
Cơ chế này đem lại nhiều lợi ích trong việc giảm thiểu thời gian, chi phí giao dịch, chủ động trong phát hành hóa đơn thương mại và giúp DN nắm bắt những cam kết về quy tắc xuất xứ trong các FTA... song cũng đòi hỏi DN phải nhanh chóng nắm bắt cách thức khai báo chứng nhận xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế.

Doanh nghiệp sẵn sàng
Với cơ hội lớn mang lại, nhiều DN đang nỗ lực tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ EVFTA. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO), một DN chuyên XK đồ gỗ chia sẻ, thách thức của EVFTA đặt ra cho ngành gỗ là không hề nhỏ vì EU đã dựng lên rào cản kỹ thuật lớn là xác định nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất. Do đó, SADACO đã có sự chuẩn bị cả về thông tin thị trường và nguồn nguyên liệu phù hợp những tiêu chuẩn của EU.

Ông Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng giám đốc Vinatex cho biết, EVFTA có quy định xác định quy tắc xuất xứ là từ vải trở đi. Do đó điều kiện cần và đủ là xây dựng được một chuỗi cung hoàn chỉnh. Vì vậy, Vinatex rất chú trọng vào các công tác nâng cao năng suất bằng hướng áp dụng công nghệ tốt, hiện đại hơn, dần thay thế những máy móc thiết bị cũng không còn phù hợp… Vinatex cũng đã thực hiện nhiều biện pháp về đầu tư và về phát triển thị trường, cũng như phổ biến kiến thức cho các DN để hiểu rõ về các hiệp định, không chỉ riêng EVFTA. Định hướng lâu dài là khuyến khích các DN trong tập đoàn thành lập chuỗi liên kết từ nguyên phụ liệu, sử dụng sản phẩm theo chuỗi hướng tới mục tiêu cùng nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm bán ra, thỏa mãn các yêu cầu về xuất xứ.

Với các DN thủy hải sản, thời gian qua, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lên kế hoạch thực hiện các chiến dịch truyền thông để quảng bá hình ảnh thủy sản tại EU nhằm chuyển những thông tin về cải thiện chất lượng, đáp ứng các yêu cầu nuôi trồng mà người tiêu dùng ở thị trường này đưa ra. Đồng thời thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại như tham gia các hội chợ, triển lãm thủy sản tại những quốc gia ở khu vực EU để giới thiệu sản phẩm cá tra chất lượng tới người tiêu dùng. Nhiều DN thuộc hiệp hội đã xác định phải hướng tới phát triển chu trình khép kín, từ giống, nuôi và chế biến cá tra, nhằm đưa ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của khách hàng.