Chất lượng dịch vụ bưu chính quyết định khả năng cạnh tranh

Thị phần bị chia sẻ

Không phải đến thời điểm này, các doanh nghiệp bưu chính của VNPT mới chịu sự ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp khác mà ngay từ năm 1990, khi các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính nổi tiếng thế giới như DHL, Feedex, TNT... mở các đại lý cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, mới chỉ có dịch vụ bưu chính quốc tế bị cạnh tranh. Nhưng đến năm 1995, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần bưu chính viễn thông Sài Gòn (Saigon Postel), Bưu chính quân đội (Viettel) bắt đầu tham gia thị trường thì VNPT mới thật sự bị chia sẻ thị phần trên hầu hết các dịch vụ bưu chính. Những năm gần đây, sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt khi thị trường xuất hiện các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia khai thác. Lợi thế cạnh tranh của những doanh nghiệp mới này có thể thấy rõ như thủ tục giao nhận đơn giản, thời gian chuyển phát nhanh... Trong khi quy trình nghiệp vụ cung cấp dịch vụ của VNPT lại quá phức tạp, làm khách hàng mất nhiều thời gian khi sử dụng dịch vụ.

Những dịch vụ bưu chính truyền thống của VNPT như bưu phẩm, bưu kiện... từng là dịch vụ chiếm thị phần chủ yếu trên thị trường nhưng những năm gần đây, sản lượng những dịch vụ này bắt đầu suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do cạnh tranh nhưng cũng cần nhìn nhận thẳng thắn là chất lượng dịch vụ đang giảm sút. Phó Giám đốc Trần Phương Ðông thừa nhận khó khăn của các doanh nghiệp bưu chính thuộc VNPT hiện nay là cơ cấu giá cước nhiều dịch vụ bưu chính chưa phù hợp thị trường, làm giảm sức cạnh trạnh của công ty. Ông Ðông lấy thí dụ về giá tem thư, năm 1999 giá được điều chỉnh từ 400 đồng lên 800 đồng/chiếc. Nếu tính đúng giá thành thời đó thì giá tem thư đã phải là 1.200 đồng/chiếc. Trong suốt tám năm qua, giá tem thư vẫn không hề thay đổi, trong khi thị trường biến động liên tục. Ðấy là chưa kể việc vận chuyển một bức thư từ Hà Nội đi  vùng sâu, vùng xa với giá 800 đồng như vậy, chắc chắn doanh nghiệp không thể có lãi. Nguyên nhân khiến cơ cấu giá cước chưa phù hợp là do chưa có sự tách bạch rõ ràng giữa tính công ích và kinh doanh trong cung cấp dịch vụ bưu chính.

Riêng dịch vụ chuyển phát nhanh, theo cam kết gia nhập WTO, các doanh nghiệp nước ngoài có thể thâm nhập thị trường Việt Nam với việc thành lập liên doanh 51% vốn đầu tư nước ngoài ngay khi gia nhập và thành lập công ty 100% vốn nước ngoài năm năm sau khi gia nhập. Nhiều chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, thị trường chuyển phát nhanh sẽ còn cạnh tranh khốc liệt hơn giữa nhiều doanh nghiệp. Dịch vụ chuyển phát nhanh EMS của Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện là dịch vụ ra đời sớm nhất ở Việt Nam, và là dịch vụ khai sinh ra thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh ở nước ta. Hiện dịch vụ này của công ty chiếm hơn 80% thị phần chuyển phát nhanh trong nước và hơn 25% thị phần chuyển phát nhanh quốc tế. Thế nhưng, đây lại là dịch vụ chịu sức ép cạnh tranh nhiều nhất từ các doanh nghiệp khác bởi nhu cầu sử dụng dịch vụ này còn rất lớn nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Trước sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường, các doanh nghiệp bưu chính của VNPT buộc phải nỗ lực đổi mới kinh doanh. Giám đốc Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện Ðặng Thị Bích Hòa cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh, công ty tập trung xây dựng mạng lưới, củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ EMS, bảo đảm các bưu gửi được chuyển phát đúng chỉ tiêu thời gian công bố, tuyệt đối chính xác và an toàn trong quá trình chuyển phát đến người nhận. Ðiều quan trọng là dịch vụ đến tay khách hàng phải có chất lượng cao với giá cước thấp nhất. Muốn làm được điều này, công ty phải tiết kiệm chi phí, thiết lập quy trình sản xuất hợp lý nhất nhằm giảm tối đa chi phí nhưng đem lại hiệu quả, chất lượng dịch vụ. Tiết kiệm chi phí không có nghĩa sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ mà công ty phải tiến hành rà soát chi phí ở tất cả các khâu, các công đoạn trong dây chuyền dịch vụ, nhằm phát hiện ra những chi phí nào bị chồng chéo, bất hợp lý sẽ được cắt giảm, nhất là chi phí trong khâu vận chuyển liên tỉnh và quốc tế. Ngoài ra, công ty không ngừng cải tiến quy trình nghiệp vụ khai thác vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển đường thư cấp 1 (vận chuyển liên tỉnh) và vận chuyển đường bay quốc tế, qua đó có thể rút ngắn chỉ tiêu thời gian toàn trình của dịch vụ.

Một trong những giải pháp khác là tăng cường đầu tư đổi mới trang thiết bị theo hướng tin học hóa và hiện đại hóa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý, kinh doanh và khai thác dịch vụ bưu chính. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trần Phương Ðông, việc đầu tư đổi mới trang thiết bị lại đòi hỏi lao động có trình độ cao. Trong khi đó, lao động bưu chính phần lớn là lao động thủ công, năng suất thấp, chính vì thế, cần nâng cao năng lực, trình độ cán bộ. Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng lao động, chỉ riêng năm 2006, gần 600 lượt cán bộ, công nhân viên được đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn, 60 lượt cán bộ đào tạo dài hạn và đào tạo tại nước ngoài. Bên cạnh đó, VPS còn tập trung mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách đưa thêm nhiều dịch vụ bưu chính mới, hiện đại vào khai thác như dịch vụ DataPost.