Bước chuyển quan trọng của ngành đóng tàu

Bước chuyển quan trọng của ngành đóng tàu

Bứt phá ngoạn mục

Ngày mới thành lập, 31-1-1996, tổng công ty chỉ có 23 đơn vị thành viên chủ yếu tập trung ở Hải Phòng, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh. Với cơ sở vật chất nghèo nàn, chủ yếu phục vụ sửa chữa và đóng tàu từ 1.000 tấn trở xuống. Ðến nay, Vinashin đã có 93 đơn vị thành viên  với hơn 31 nghìn cán bộ, công nhân, viên chức lao động, đóng trên địa bàn 25 tỉnh, thành phố trong cả nước. Vinashin đã thực hiện thành công chiến lược sản phẩm trọng điểm, sản phẩm mũi nhọn mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng, trình độ quản lý cũng như vị thế của Tổng công ty ở thị trường trong nước và quốc tế, với nhiều loại tàu hàng 6.500 tấn, 11.500 - 12.500 tấn, 15.000 tấn, tàu dầu 13.500 tấn, tàu container 564 TEU, 610 TEU, 1.016 TEU, tàu Lash mẹ 10.900 tấn,.. ra đời tại các cơ sở đóng tàu vốn trước đó chỉ quen với sửa chữa và đóng tàu cỡ nhỏ. Nhiều đơn vị còn thực hiện thành công một số sản phẩm tàu thủy xuất khẩu cho chủ tàu nước ngoài như: tàu hút bùn 1.000 - 1.500 m3/h xuất khẩu sang Iraq, tàu kéo 1.000 HP, sà-lan 2.500 tấn xuất khẩu Singapore, khách sạn nổi 80 giường cho chủ tàu Pháp, tàu khách du lịch 45 chỗ bằng vật liệu mới; tàu hàng 6.380 tấn, 8.700 tấn, và 10.500 tấn cho chủ tàu Nhật Bản và đang tiếp tục thi công các tàu 53.000 tấn, 34.000 tấn cho chủ tàu thuộc Vương quốc Anh.

Bên cạnh bước tiến trong lĩnh vực đóng mới tàu thì kinh doanh vận tải biển đã trở thành ngành lớn thứ hai trong hoạt động kinh doanh của Tổng công ty, với 10 doanh nghiệp và đội tàu có tổng trọng tải 200 nghìn tấn, giá trị doanh thu năm 2005 đạt hơn 712 tỷ đồng. Ðáng mừng hơn, việc phát triển đội tàu vận tải biển Vinashin không chỉ mang ý nghĩa đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn hỗ trợ nâng cao tăng lực các nhà máy đóng tàu. Hơn thế nữa qua thực tế còn chứng minh việc phát triển đội tàu của Vinashin cùng với "nội địa hóa" đội tàu trong nước thông qua chương trình đóng mới 32 tàu biển cho Tổng công ty hàng hải Việt Nam đã thật sự là bước đột phá quan trọng nâng cao năng lực đóng mới của một số đơn vị trong Tổng công ty.

Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn

Ðể đáp ứng các nguồn vốn cho đầu tư phát triển và nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn tổng công ty, những năm qua, công tác tài chính đã được các cấp ủy và lãnh đạo từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên, các phòng ban, đơn vị chuyên môn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Ðến nay, tổng nguồn vốn huy động của Công ty tài chính của Tổng công ty là 1.167 tỷ đồng và vốn điều lệ đạt 120 tỷ đồng. Giải quyết, tạo dựng mối quan hệ giữa Quỹ hỗ trợ phát triển và các ngân hàng với Tổng công ty và các đơn vị thành viên, tuân thủ và thực hiện đúng các chính sách tài chính theo quy định hiện hành. Vì vậy, công tác tài chính đã đáp ứng cơ bản nhu cầu về vốn cho đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Tổng công ty, góp phần tích cực giải quyết vốn cho các đơn vị thành viên và đầu tư vào các công trình trọng điểm, các dự án và sản phẩm trọng điểm.

Tháng 10-2005 Chính phủ Việt Nam lần đầu phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng trị giá là 750 triệu USD và cho Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam vay lại toàn bộ số tiền đó để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Ðây được coi là bước đi đột phá của Tổng công ty trong việc tìm ra các giải pháp về vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và để Vinashin bước vào thị trường vốn quốc tế.

Nhờ có vốn trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng được thực hiện với khối lượng rất lớn. Nhiều công trình, chương trình đầu tư đã được hoàn thành đưa vào khai thác hiệu quả và thật sự góp phần quan trọng trong việc tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Tổng công ty đã xây dựng được chiến lược, quy hoạch định hướng đầu tư phát triển dài hạn một cách nhất quán, đúng hướng, quyết định đầu tư có trọng điểm, không dàn trải, tập trung đầu tư vào những khâu trọng yếu then chốt, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm; đã tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng, đầu tư chiều sâu các nhà máy hiện có, xây dựng một số nhà máy mới ở cả ba miền bắc - trung - nam và các khu công nghiệp bổ trợ làm vệ tinh cho các nhà máy đóng tàu, hợp lý hóa sản xuất, kinh doanh trong từng khu vực, từng đơn vị. Ðã hoàn thành đầu tư và nâng cấp giai đoạn 1 các nhà máy đóng tàu: Bạch Ðằng, Bến Kiền, Sông Cấm, Bến Thủy, 76, Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang, Công ty công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Công ty đầu tư và công nghiệp Hàng hải Sài Gòn và thực hiện đầu tư nâng cấp giai đoạn 2 các Nhà máy đóng tàu: Hạ Long, Nam Triệu, Bạch Ðằng, Phà Rừng, Bến Kiền, Công ty đầu tư và công nghiệp hàng hải Sài Gòn để đóng được tàu từ 20.000 tấn đến 70.000 tấn. Ðã và đang triển khai dự án xây dựng Nhà máy đóng tàu Dung Quất để đóng tàu 100.000 đến 250.000 tấn và dàn khoan dầu khí tại Quảng Ngãi, đồng thời triển khai thực hiện một phần các khu công nghiệp bổ trợ: sản xuất điện, thép đóng tàu, chế tạo lắp ráp động cơ thủy, chế tạo các loại máy móc, thiết bị trên boong, nghị khí hàng hải, trang thiết bị nội thất tàu thủy... phục vụ đóng mới và sửa chữa tàu như: Khu công nghiệp tàu thủy Cái Lân, An Hồng, Hải Dương, Bắc Giang, Nam Ðịnh, Dung Quất, Ðồng Nai, Tiền Giang. Ðầu tư nâng cấp Viện Khoa học - công nghệ tàu thủy thành trung tâm nghiên cứu thiết kế tàu thủy và Bể thử mô hình tàu thủy đã được công nhận là phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

Quan tâm con người

Yêu cầu phát triển kinh tế biển của đất nước đòi hỏi Tổng công ty phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, vì vậy, cùng với việc đổi mới công nghệ, tăng năng lực sản xuất, kinh doanh thì yếu tố con người có thể coi là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định đến sự thành công của mỗi đơn vị thành viên và của toàn Tổng công ty. Những năm qua, Tổng công ty đã có các hoạt động tích cực nhằm phát triển đội ngũ, như gửi đi học các lớp học bồi duỡng lý luận chính trị cao cấp đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý; các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ kỹ thuật, chuyên môn; không ngừng bồi dưỡng tay nghề cho công nhân kỹ thuật, nhờ đó nguồn nhân lực Tổng công ty đã được nâng lên đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Ðội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được rèn luyện và thử thách qua thực tiễn quản lý sản xuất, kinh doanh, có năng lực tổ chức triển khai khá thành thạo, năng động sáng tạo, có bản lĩnh vững vàng trước những diễn biến phức tạp của thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và ngày càng trưởng thành. Nhiều cán bộ chuyên môn nghiệp vụ được bổ sung cả về số lượng cũng như loại ngành nghề và đã được trẻ hóa một bước, có trình độ, kỹ năng tay nghề khá, ý thức tổ chức và kỷ luật tốt, từng bước thích nghi và làm chủ khoa học công nghệ mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức tuyển chọn đưa cán bộ và công nhân kỹ thuật đi đào tạo và thực hiện chuyển giao công nghệ ở các nước có ngành công nghiệp tàu thủy phát triển, như Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Tổng công ty, Trường CNKT Nhà máy đóng tàu Bạch Ðằng đã và đang được đầu tư nâng cấp phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của Tổng công ty trước mắt và lâu dài nhằm thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược phát triển kinh tế biển của Ðảng.