Vì cam kết “ra trường có việc”...

LTS - Để cung ứng cho thị trường lao động nguồn nhân lực tốt, bảo đảm các học viên ra trường có việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần phải đổi mới phương thức hoạt động như thế nào? Báo Nhân Dân cuối tuần xin giới thiệu ý kiến của TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, nhằm tìm đáp án cho câu hỏi trên.

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chủ động mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy.
Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chủ động mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy.

Đổi mới phương thức đào tạo

Trong Quyết định 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020” đã ghi rõ: Cần thực hiện đồng bộ chín giải pháp, trong đó việc gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp (DN) vào đào tạo là những yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng và hiệu quả của đào tạo nghề.

Từ thực tế của Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, giải pháp quan trọng nhất chính là việc làm sao gắn kết công tác dạy nghề với thị trường lao động? Muốn vậy, phải đổi mới đào tạo, xây dựng mối quan hệ, gắn kết chặt chẽ với các DN trong nước và nước ngoài, các khu công nghiệp, khu chế xuất để giải quyết vấn đề “đầu ra” cho học sinh, sinh viên. Chính vì nỗ lực đổi mới theo hướng này nên trường đã ký kết được nhiều “đơn hàng nguồn nhân lực” với các DN. Hằng năm, nhà trường có hơn 85% số sinh viên có việc làm trước khi ra trường và 96% có việc làm sau khi ra trường sáu tháng.

Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, chúng tôi đã thực hiện cam kết 100% số sinh viên ra trường có việc làm và có thể tự tạo việc làm. Muốn thực hiện được cam kết đó, nhà trường phải áp dụng đồng thời nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo như đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới chương trình giáo trình đi đôi với đưa các chương trình quốc tế vào giảng dạy; áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đổi mới mô hình quản lý, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong toàn trường... Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm cho sinh viên vừa học vừa hành, vừa sản xuất ra sản phẩm. Đặc biệt, hợp tác chặt chẽ với DN trong và ngoài nước từ khâu tuyển sinh cho đến giải quyết việc làm; từng bước thực hiện tự chủ, xây dựng nhà trường như một DN năng động. Nhà trường không chỉ cung cấp nhân lực, mà còn phải cung cấp cả các sản phẩm nghiên cứu khoa học cho DN.

Thiếu hành lang pháp lý cho tự chủ tài chính

Đối với các cơ sở dạy nghề, tự chủ tài chính là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Theo quy định, mỗi lớp dạy nghề chỉ có 25 sinh viên và mức thu học phí trung bình là tám triệu đồng/sinh viên/năm. Như vậy, một lớp dạy nghề mỗi năm chỉ thu được khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để trả lương cho hai giảng viên dạy một lớp, chưa tính đến các chi phí khác liên quan đến đào tạo. Vậy phải làm sao để có thể bảo đảm hoạt động? Việc liên kết với DN là nguồn thu quan trọng, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu của trường. Hiện nhà trường gắn kết chặt chẽ với hơn 400 đơn vị, DN trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Nguồn thu từ học phí và các hoạt động dịch vụ đào tạo của nhà trường đã tự chủ được 80% chi thường xuyên. Thông qua các chương trình hợp tác, nhà trường tiết giảm được chi phí thực tập, thu được kinh phí từ đặt hàng đào tạo của DN, giáo viên được trả thêm lương, sinh viên được trau dồi kiến thức thực tế và được nhận vào làm việc tại DN ngay khi ra trường.

Đặc biệt, từ năm 2018 nhà trường đã ký kết hợp tác với Công ty Hanwha Aero Engines (Hàn Quốc), đóng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) triển khai chương trình đào tạo 800 sinh viên hệ cao đẳng theo hình thức vừa học, vừa làm. Đến thời điểm này, lớp Hanwha thu hút 51 sinh viên theo học. Điểm khác biệt của mô hình liên kết đào tạo này là DN chi trả 100% chi phí đào tạo cho người học, bao gồm cả học phí, sinh hoạt phí. Mức chi trả tăng dần theo trình độ chuyên môn, tay nghề của học viên, tối đa có thể đạt hơn sáu triệu đồng/người/tháng. Ra trường, 100% số sinh viên được Công ty Hanwha Aero Engines nhận vào làm việc. Năm học 2020-2021, nhà trường sẽ tuyển sinh và đào tạo khoảng 500 sinh viên theo mô hình đào tạo này cho Công ty Hanwha Aero Engines và Tổng công ty Cơ điện Xây dựng (Agrimeco) và sẽ ưu tiên tuyển sinh viên vùng sâu, vùng xa, con em các hộ nghèo, vùng nông thôn bị thu hồi đất.

Nước ta hiện có 1.914 cơ sở GDNN. Trong đó có hơn 1.500 trường trung cấp, cao đẳng nghề công lập. Tự chủ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng GDNN, tuy nhiên, bất cập lớn trong tự chủ hiện nay là thiếu cơ chế, hành lang pháp lý để thực hiện. Muốn tự chủ được, cơ sở đào tạo phải tự cân đối được nguồn thu chi và vẫn phải có đầu tư và định hướng của Nhà nước. Từ kinh nghiệm thực tiễn của trường, chúng tôi nhận thấy, muốn bảo đảm chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, giải quyết hiệu quả bài toán an sinh xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới hội nhập khu vực và quốc tế, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển GDNN. Và không thể thiếu sự quyết tâm, cách thức hoạt động sáng tạo của hệ thống GDNN.