Vận hành thể chế để thực hiện chức năng

Khâu quan trọng nhất trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo là qua công tác này, cơ quan chức năng lắng nghe những kiến nghị của người dân để có các phương án giải quyết vấn đề, đồng thời đúc rút những kinh nghiệm trong thực thi nhiệm vụ. Ở nhiều cấp, công tác này cần chuyên nghiệp hơn.

Có quyền khiếu nại, tố cáo, nhưng người dân cũng có nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật.
Có quyền khiếu nại, tố cáo, nhưng người dân cũng có nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật.

Thay đổi nhận thức về khiếu nại, tố cáo

Khiếu nại, tố cáo là quyền hiến định. Điều 30 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Quyền khiếu nại, tố cáo chỉ có nghĩa khi trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước giải quyết khiếu nại, tố cáo được bảo đảm.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong năm 2018, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8% (so năm 2017). Điều này cho thấy hai vấn đề: Một là, người dân đã quan tâm và thực thi quyền khiếu nại, tố cáo nhiều hơn. Hai là, tình hình vi phạm pháp luật của các cơ quan công quyền có thể nhiều hơn; khả năng giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan này có thể còn hạn chế. Nhìn vào thực tế, dễ thấy việc áp dụng pháp luật khi giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số ít đơn vị còn lúng túng; nhiều vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền nhưng chậm được giải quyết. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế: thiếu hợp tác, phối hợp của công dân và cơ quan liên quan; tình trạng công dân khiếu nại, tố cáo sai còn nhiều. Ngoài ra, không ít trường hợp công dân cố tình khiếu nại hoặc tố cáo sai.

Đối với vấn đề thứ nhất, nhận thức về việc quyền luôn đi liền với nghĩa vụ là rất quan trọng. Người dân có quyền khiếu nại, tố cáo, nhưng cũng có nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật; khiếu nại, tố cáo có chứng cứ. Mọi sự lạm dụng quyền khiếu nại, tố cáo đều có thể dẫn đến những chi phí rất lớn về thời gian và tiền bạc cho xã hội. Đó là chưa nói đến tình trạng rối loạn và căng thẳng xã hội cũng rất dễ xảy ra.

Giải pháp từ công tác của Quốc hội

Để bảo đảm chế độ trách nhiệm của các cơ quan quyền lực công, nâng cao năng lực giám sát của Quốc hội là rất quan trọng. Dưới đây là một số việc Quốc hội có thể làm:

Các phiên thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo như tại phiên họp tháng 11-2018 là rất quan trọng. Tại các phiên thảo luận như vậy, nhiều vấn đề liên quan trách nhiệm, năng lực giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hữu quan sẽ được làm rõ. Những phản ứng chính sách cần thiết cũng sẽ được đưa ra.

Bên cạnh các phiên thảo luận, hoạt động chất vấn có thể còn là công cụ hữu hiệu hơn, tác động đến việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ngành trong việc xử lý thông tin tố cáo của người dân gửi đến.

Một vấn đề khác, là việc nâng cao năng lực giám sát của Ban Dân nguyện đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo rất quan trọng. Đây có thể coi là cơ quan chuyên môn của Quốc hội (cho dù cơ quan này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập) liên quan đến việc giám sát tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Năng lực chuyên môn của cơ quan này chính là một phần quan trọng của năng lực giám sát của Quốc hội đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thật ra, trên thế giới có hai phương án giám sát. Phương án 1 là thành lập cơ quan Thanh tra Quốc hội (Ombudsman) gồm các nhà chuyên môn về pháp lý. Phương án 2 là thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội gồm các nghị sĩ. Đa số nghị viện các nước lựa chọn phương án 1. Một số nghị viện lựa chọn phương án 2. Phương án của Việt Nam hiện nay có vẻ nằm ở khoảng giữa: không thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội, nhưng lãnh đạo Ban Dân nguyện lại là các vị đại biểu Quốc hội. Có lẽ, sự trộn lẫn này đang hạn chế vai trò của Ban Dân nguyện hiện nay. Nên chăng, nếu đã lựa chọn mô hình dân nguyện thay cho mô hình thanh tra quốc hội, thì chúng ta cũng nên thành lập Ủy ban Dân nguyện như nghị viện các nước.

Trong quá trình thực hiện, việc vận hành chức năng đại diện là rất quan trọng để giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong toàn bộ hệ thống chính trị, chỉ có các vị đại biểu là phụ thuộc vào dân, nên có khuyến khích tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân nhiều nhất. Đáng tiếc là đa số đại biểu của chúng ta làm việc kiêm nhiệm nên không có đủ thời gian để tiếp dân, cũng như giải quyết các kiến nghị của dân. Thông thường, khi nhận được kiến nghị, khiếu nại, các vị đại biểu chỉ biết “kính chuyển” và đề nghị cơ quan hữu quan giải quyết. Chỉ một số vị đại biểu đeo bám đến cùng những gì mình đã “kính chuyển”. Nguyên nhân chính do không có đủ thời gian. Đại biểu không chuyên trách chỉ có 30% thời gian làm việc cho Quốc hội. Với quỹ thời gian như vậy, thì tham dự hai kỳ họp và tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp là vừa hết, không còn thời gian làm việc khác.

Còn đại biểu chuyên trách thì vẫn chưa quan niệm là phải dành nhiều thời gian hơn để làm chức năng đại diện. Thực tế, họ cũng chỉ tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp như các vị đại biểu không chuyên trách. Họ có nhiều thời gian hơn. Nhưng họ lại chủ yếu làm việc ở Hà Nội như các chuyên viên, hơn là như các đại biểu ở đơn vị bầu cử.

Ở các nước phát triển, các đại biểu đều có văn phòng ở đơn vị bầu cử. Đó là điều kiện cần thiết để đại biểu thực hiện chức năng đại diện. Chỉ có như vậy, các đại biểu mới giải quyết được kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri, chứ không để dồn lên cho Quốc hội như ở Việt Nam. Có người sẽ cho rằng việc lập văn phòng riêng cho các đại biểu Quốc hội ở Việt Nam là khó khả thi. Tuy nhiên, vấn đề còn tùy theo quan niệm. Nếu chúng ta quan niệm rằng phải xây dựng 500 văn phòng hoành tráng cho 500 vị đại biểu Quốc hội thì điều này khó khả thi. Nhưng nếu chúng ta quan niệm như nhiều nước trên thế giới, như đi thuê văn phòng thì hoàn toàn không có gì là quá khó. Tóm lại, để giải quyết khiếu nại, tố cáo, quan trọng là phải vận hành thể chế. Tạo ra khuyến khích và động lực để giải quyết khiếu nại, tố cáo.