Ðừng quên cảm xúc thật của con người!

CEO Blue C Lê Quang Vũ (trong ảnh) cho rằng, công nghệ sinh ra để đáp ứng nhu cầu của con người. Vì thế, số hóa hay chuyển đổi số cũng chính là để tạo nên sự tiện lợi và xử lý hiệu quả công việc. Tuy nhiên, cảm xúc thật giữa người với người khi làm việc cùng nhau vẫn là yếu tố quan trọng, mà bất kỳ nền tảng công nghệ hay ứng dụng nào cũng khó có thể thay thế.

Ðừng quên cảm xúc thật của con người!

- Thưa ông, ông có cho rằng, làm việc trực tuyến tại nhà (WFH) sớm trở thành xu hướng ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát?

- Phải nói rằng, xu hướng làm việc từ xa đã có từ lâu. Ở một số nước, khả năng làm việc từ xa còn được coi là một yếu tố để doanh nghiệp (DN) xem xét tuyển dụng và là điểm cộng cho các ứng viên. Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, phương thức làm việc này càng trở nên cấp thiết hơn. Tôi cho rằng, trong tương lai, cách làm việc này sẽ tác động đến xu hướng và phương thức làm việc của nhiều người.

- Những tác động mà ông đề cập sẽ thế nào khi con người hạn chế giao tiếp trực tiếp với nhau?

- Vấn đề này chúng ta phải nhìn theo chiều hướng tích cực. Khi mọi người làm việc online, chi phí hoạt động của DN giảm đáng kể. Hiệu quả làm việc cũng cao hơn. Tôi đơn cử, khi tổ chức họp trực tuyến, mọi thông điệp đều được truyền trực tiếp, không bị "tam sao thất bản". Thời gian họp cũng được rút ngắn. Nhân viên tập trung vào kết quả chứ không bị chi phối bởi nhiều yếu tố.

- Liệu năng suất làm việc có nhờ đó mà cao hơn, thưa ông?

- Năng suất làm việc cao hơn hay không phụ thuộc vào ý thức WFH của mỗi người. Cách quản lý của đội ngũ lãnh đạo cũng cần thay đổi. Không chỉ đến văn phòng, nhân viên mới phải tuân thủ các quy định. Làm việc theo hình thức WFH cần có thời gian biểu cụ thể. Nhưng điểm cần nhấn mạnh là kết quả đạt được chứ không phải là kiểm soát sự có mặt của nhân viên. Ðó chính là yếu tố then chốt.

- Vậy theo ông, không có hạn chế nào khi các DN chuyển sang hình thức WFH?

- Vẫn sẽ có những hạn chế nhất định. Ðơn cử, các loại hình công việc phụ thuộc vào giấy tờ "cứng" sẽ gặp nhiều ảnh hưởng. Chính sách bảo mật với điểm truy cập hạn chế, tức là bạn chỉ có thể truy cập vào hệ thống ở một số địa điểm nhất định cũng là một vấn đề khá phức tạp để WFH của một số DN đạt hiệu quả.

Ngoài ra, một số công việc đòi hỏi hạ tầng IT tốt, thí dụ như đường truyền tốc độ cao, băng thông lớn, dung lượng lưu trữ lớn… cũng khó đáp ứng khi WFH. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều này sẽ sớm được khắc phục. Tất nhiên, con người, ai cũng phải/nên gặp nhau nhưng phương thức gặp cũng sẽ "go online" nhiều hơn, theo cách thông minh và hiệu quả hơn.

- Dựa theo những gì ông vừa phân tích và tình hình thực tế, WFH chỉ phù hợp với công ty công nghệ, tập đoàn đa quốc gia và những công việc đã được "số hóa"?

- Làm việc từ xa phù hợp với mọi loại hình DN. Trong thời điểm này, tôi cho rằng, DN cần tận dụng thời cơ thúc đẩy nhân viên làm việc online, chuyển đổi một số công việc sang môi trường số.

- Nói như vậy, cần có công cụ và quy định để hỗ trợ hình thức này. Việc cần làm bây giờ là phát triển nền tảng ứng dụng và xây dựng quy định làm việc online?

- Chính xác là cần có những sản phẩm để WFH trở nên tiện lợi hơn. Các ứng dụng này vốn đã hình thành không phải chỉ để đáp ứng nhu cầu "remote" mà là để đáp ứng nhu cầu làm việc của con người trong thời đại số. Chuyển đổi số là bước đi quan trọng của mỗi một đất nước. Công nghệ cao sẽ thay đổi nhiều điều và cách thức làm việc của mọi người là điều được nhìn thấy rõ rệt nhất.

Ðể làm việc trong môi trường số, nhân viên cần có một tư duy số học, tức là học cách đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, làm việc theo văn hóa mở, hợp tác nhiều hơn và rộng hơn cũng như phải linh hoạt và nhanh hơn. Ngoài ra, họ cũng cần có một tư duy hệ thống.

- Nếu vậy, thế hệ trẻ sẽ có lợi thế hơn so với lớp nhân viên trung niên trong cuộc chuyển đổi số này?

- Ðộ tuổi có thể coi là một rào cản, tuy nhiên nhiều DN đã có những chương trình để nhân viên trẻ hỗ trợ nhân viên trung tuổi về sử dụng công nghệ. Còn người trung niên lại dùng chính kinh nghiệm thực tế để chia sẻ lại. Ðó là sự hỗ trợ lẫn nhau mà không điều gì có thể thay thế. Công nghệ ra đời để đáp ứng nhu cầu của con người chứ không phải để bỏ lại ai ở phía sau.

Ðơn cử như ở công ty của tôi, Blue C dùng Workplace để truyền thông nội bộ, dùng Zoho để quản lý bán hàng, dùng Zoom để tư vấn, họp trực tuyến. Chúng tôi cũng phát triển cả phần mềm IC Survey cho các dịch vụ của mình. Blue C có đội ngũ nhân lực trẻ nên đây là lúc tận dụng tối đa các nền tảng đó.

Hãy thử sức mình bằng hình thức online nếu bạn chưa làm. Còn nếu đã làm hãy tối ưu hóa nó. Không có điều gì có thể thay thế điều gì. Dù làm việc theo hình thức nào, đừng quên những cảm xúc thật của con người.

- Xin cảm ơn ông!