Ứng phó với thời tiết, khí hậu cực đoan

Liên tiếp các hiện tượng thời tiết cực đoan như rét đậm kéo dài, hạn hán nghiêm trọng, nắng nóng, mưa lớn... xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước từ đầu năm đến nay, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như sự phát triển của nhiều ngành kinh tế mũi nhọn. Đã đến lúc công tác ứng phó với tình trạng thời tiết cực đoan cần được quan tâm đúng mức với những giải pháp căn cơ, bài bản hơn.

 Sự thiếu chủ động trong việc xây dựng các phương án phòng tránh, ứng phó là nguyên nhân khiến các thiệt hại do hiện tượng thời tiết cực đoan càng trở nên nghiêm trọng. Trong ảnh: Thành phố Cẩm Phả (Q
Sự thiếu chủ động trong việc xây dựng các phương án phòng tránh, ứng phó là nguyên nhân khiến các thiệt hại do hiện tượng thời tiết cực đoan càng trở nên nghiêm trọng. Trong ảnh: Thành phố Cẩm Phả (Q

Từ góc nhìn khoa học...

Nguyên nhân của các hiện tượng thời tiết cực đoan là do tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đang làm tăng tính biến động và cực đoan của thời tiết. Trong điều kiện Trái đất nóng dần lên, nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến các thành phần khác trong hệ thống khí hậu Trái đất, từ khí quyển, đại dương, băng quyển và cả sinh quyển. Chẳng hạn, khi nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên, nhiệt từ bề mặt sẽ được chuyển vào khí quyển thông qua quá trình bốc hơi từ mặt biển, đất liền và hoạt động đối lưu khí quyển mạnh hơn, làm tăng hàm lượng ẩm trong không khí dẫn đến tăng lượng mưa, đồng thời làm thay đổi hoàn lưu khí quyển ở từng vùng; nhiệt độ tăng làm tan băng ở các vùng cực và trên núi cao dẫn đến hiện tượng mực nước biển dâng lên, làm tăng xói lở bờ biển, ngập lụt, suy giảm rừng ngập mặn; băng tan còn làm giảm suất phản xạ trung bình của bề mặt Trái đất đối với bức xạ mặt trời, tăng khí nhà kính trong khí quyển, qua đó thúc đẩy nhanh hơn quá trình nóng lên toàn cầu.

Sự phản ứng của các thành phần nói trên với việc tăng nhiệt độ của bề mặt Trái đất làm tăng thêm tính biến động, tính bất thường của thời tiết. Bởi vậy, trong xu thế nóng lên toàn cầu, ở nước ta vẫn có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Và cũng có những đợt nắng nóng với nhiệt độ cao kỷ lục. Nói cách khác, tính cực đoan của các yếu tố khí hậu và hiện tượng thời tiết đang tăng lên.

Cho đến nay, chúng ta chưa ghi nhận được sự tăng lên của số lượng bão trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương và Biển Đông, mặc dù ở vùng biển Đại Tây Dương đã có biểu hiện này, nhưng số cơn bão mạnh đã tăng lên trong các thập kỷ gần đây, mùa bão ở nước ta bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn, số cơn bão di chuyển lệch về phía nam nhiều hơn trước đây.

Bên cạnh đó, nhiều hình thế thời tiết nguy hiểm khác ảnh hưởng đến nước ta hằng năm như không khí lạnh, áp thấp nhiệt đới, bão, dải hội tụ nhiệt đới kèm theo dông, tố, lốc, mưa đá, nước dâng do bão đều có biến động, nhất là khi có hiện tượng Elnino, Lanina... Nguy hiểm hơn, nếu một số hình thế nói trên xảy ra đồng thời trên cùng một địa bàn, chẳng hạn hình thế dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp thấp nhiệt đới hoặc bão, có hay không có không khí lạnh tăng cường, khi đó, công tác phòng chống, ứng phó sẽ khó khăn hơn, dễ bị động, hậu quả tàn phá sẽ lớn hơn rất nhiều.

Như vậy, tính biến động, tính cực đoan của thời tiết, khí hậu tăng lên do tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu đã được ghi nhận bởi số liệu quan trắc và được khoa học chứng minh, chúng ta cũng đã nhận thức được. Những dự báo thời tiết hạn ngắn hoặc cảnh báo thời tiết nguy hiểm cũng được khoa học dự báo thời tiết đưa ra ngày càng chính xác hơn.

Tuy nhiên, dù các nhà khoa học đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về nguy cơ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiều công trình nghiên cứu quy mô cấp quốc gia với rất nhiều khuyến nghị đã được công bố, song, lại ít nhận được sự quan tâm của xã hội. Và khi nhận thức chưa thật sự được hình thành, ý thức về nguy cơ vẫn còn mờ nhạt, thì các chương trình hành động, kịch bản ứng phó với thiên tai sẽ không thể gắn kết chặt chẽ với yêu cầu, đòi hỏi của thực tế. Để rồi, khi phải đối diện với những hậu quả nặng nề cả về sinh mạng và của cải vật chất, chúng ta lại mất thời gian truy tìm nguyên nhân, với một cụm từ thường gặp là "bất thường" nên "bị động".

Từ góc độ khoa học, cần khẳng định rằng, cả trong tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn, chúng ta đã được báo trước. Song, sự thiếu sự chủ động trong việc xây dựng các phương án ứng phó để giảm nhẹ tác hại của thiên tai hiện vẫn đang khá phổ biến.

... đến nhận thức và hành động

Thiên tai, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường, có sức tàn phá kinh hoàng. Con người không thể ngăn cản, nhưng có thể phòng tránh để giảm nhẹ tác hại. Trong mọi giải pháp, phải bắt đầu từ nhận thức. Vả lại, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu cần cả giải pháp trước mắt và lâu dài.

Để chủ động ứng phó trực tiếp với các tình huống có thể xảy ra, mỗi địa phương, mỗi ngành cần xây dựng các phương án phòng, chống theo nhiều cấp độ, từ tình huống ít nguy hiểm đến tình huống nguy hiểm nhất, gắn với đặc điểm và điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, ngành, lĩnh vực. Các phương án này cần được phổ biến rộng rãi, thường xuyên đến tất cả mọi người dân trong vùng. Khi xảy ra tình huống khẩn cấp, chỉ cần thông báo phương án áp dụng. Nếu làm tốt công tác này sẽ giảm thiểu được nhiều thiệt hại, nhất là về sinh mạng con người.

Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Nhà nước xác định là có tầm nhìn xuyên thế kỷ, là nền tảng cho các chiến lược khác. Ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn liền với phát triển bền vững, tuy nhiên, bảo vệ môi trường hiện vẫn chưa là yếu tố được quan tâm hàng đầu so với mục tiêu tăng trưởng. Yêu cầu lồng ghép các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, từng địa phương, trên thực tế, chưa được thực hiện nghiêm túc.

Mặt khác, quy hoạch là một trong những giải pháp phi công trình quan trọng nhất, góp phần làm giảm thiệt hại, ít tốn kém và không gây tác hại đến môi trường. Từ thực tế và bài học vừa qua ở các tỉnh miền núi phía bắc, đã đến lúc từng ngành, từng địa phương cần nghiêm túc xem xét lại quy hoạch phát triển của mình, lồng ghép yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện riêng của từng địa phương, ngành, lĩnh vực. Đây là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, lâu dài.

Cần có cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của các hệ thống tự nhiên và xã hội, nhất là của các cộng đồng dân cư miền núi, ven biển, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng thời khuyến khích sự tham gia của mọi thành viên trong xã hội vào hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp (nhân tố khai thác tài nguyên, phát thải khí nhà kính nhiều nhất, và cũng sẽ chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu).

Giải pháp của mọi giải pháp, để giúp con người tăng khả năng thích ứng, đối phó với những cơn thịnh nộ bất thường của thiên nhiên đang ngày một gia tăng, chính là nâng cao nhận thức của mọi thành phần trong xã hội, cả sự hiểu biết, kiến thức về những nguy cơ có thể xảy ra, cũng như những giải pháp chủ động phòng tránh và ứng phó.