Theo những “mắt xích” liên kết

Trưa, nắng khỏa tràn trên những cánh đồng rau, thuộc khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Trong khu nhà kính trồng rau tiêu chuẩn VietGAP, lão nông Hà Duân đang ghi chép nhật ký đồng ruộng, ông bảo: “Làm nông bây giờ sản phẩm phải sạch từ vườn đến bàn ăn. Đặc biệt, phải thực hiện đúng vị trí một “mắt xích” trong chuỗi liên kết, thông tin minh bạch mới phát triển bền vững”.

Theo những “mắt xích” liên kết

Từ vùng nguyên liệu…

Ông Hà Duân đã gắn bó với nghề nông hơn 40 năm. Cũng như bao nhà nông khác trên cao nguyên Lâm Viên, ngày chưa có kiến thức về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm nông quá vất vả. Giờ thì khác rồi, lão nông Hà Duân đã là một trong 80 hộ liên kết làm ăn với HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Anh Dao Co-op). Sau hơn bốn năm liên kết, nhiều nông hộ ở đây đã không còn thấp thỏm với điệp khúc “được mùa, rớt giá” nữa...

Xuôi dòng Đạ Nhim, về phía huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, những năm qua, “mảng xanh” từ nông nghiệp công nghệ cao đã được hình thành. Đang điều khiển hệ thống tưới hiện đại, ông Trần Văn Hương, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, thổ lộ: “Mình liên kết sản xuất rau sạch với doanh nghiệp Phong Thúy hơn 10 năm rồi, cùng xây dựng cơ chế sản xuất bền vững. Giờ nhà nông cũng đã tự ý thức nâng cao trách nhiệm với sản phẩm của mình”.

Về điểm này, ông Ha Hang, đối tác của HTX Anh Đào cũng rất tâm đắc. Vừa cắm bảng ghi thông tin “xuất xứ” sản phẩm, ông vừa nói, đây là điều mà cách đây ba năm ông chưa từng làm. Rõ ràng, khi tham gia chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, nhà nông không còn canh tác theo cảm tính, mà thực hiện theo quy trình công nghiệp nông nghiệp. Nụ cười đọng trên gương mặt rám nắng.

… đến sự kết nối

Nhưng đối với ban chủ nhiệm HTX Anh Đào, khởi sự chưa bao giờ là đơn giản. Dù xác định phải theo hướng sản xuất rau sạch, rau siêu thị và phải tìm đường xuất khẩu, nhưng suốt 5 năm đầu, HTX vẫn mắc kẹt “được mùa, mất giá”. Cho đến năm 2008, “rau Anh Đào” tiêu chuẩn VietGAP lọt vào hệ thống Co.op Mart, mở ra cơ hội mới. Khi Anh Đào được Co.op Mart ký tiếp hợp đồng chiến lược và ứng trước 10 tỷ đồng mỗi năm không tính lãi, HTX đã có cơ sở tính chuyện làm ăn dài hơi và hợp đồng liên kết làm ăn lần lượt nối dài.

Với ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy, quyết định đầu tư vào nông nghiệp được khởi đầu từ việc nhận ra cơ hội từ chính những điểm nghẽn của thị trường. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nguồn cung khó lòng ổn định và đầu ra bấp bênh hơn khi thiếu sự liên kết kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Vậy nên, Phong Thúy quyết tâm đầu tư hầu hết những công nghệ, kỹ thuật canh tác tiên tiến của thế giới đối với vùng nguyên liệu. Hiện, công ty đã liên kết với 30 hộ nông dân, trên diện tích hơn 70 ha, sản lượng rau tiêu thụ tăng lên hơn 10 nghìn tấn một năm, chủ yếu tại các siêu thị trong nước.

Thời gian gần đây, một số hộ tư nhân, doanh nghiệp tại Lâm Đồng đã tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu, thông qua liên kết hợp tác quốc tế với các nhà phân phối. Hoa lan vũ nữ của Công ty Hoa Mặt Trời (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), ghi rõ xuất xứ “Hoa Đà Lạt”, đã xuất hiện tại sàn đấu giá hoa OTA lớn nhất Nhật Bản vào năm 2017, được các nhà phân phối hoa Nhật Bản đánh giá cao. Ông Huỳnh Tấn Sơn, Giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi liên kết sản xuất với nông dân bằng nguyên tắc chất lượng và uy tín. Khi có hợp đồng xuất khẩu, mình chỉ lo sản xuất theo đúng đơn đặt hàng. Phía đối tác sẽ mang bộ quy tắc liên quan đến chất lượng, quy cách, bệnh dịch hoa đưa cho nhà sản xuất”.

Vài trăn trở

Theo thống kê của Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có khoảng 120 đơn vị hoạt động theo hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có hợp đồng liên kết lâu dài. Trong đó, 68 chuỗi liên kết được cấp các loại giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu, từ sản xuất, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm. “Tham gia chuỗi liên kết, nông dân yên tâm sản xuất; doanh nghiệp, HTX bảo đảm nguồn nguyên liệu an toàn và người tiêu dùng yên tâm về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm”, Chi cục trưởng Chi cục quản lý nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng Nguyễn Văn Lục, cho biết.

Tuy nhiên, điểm cản trở việc phát triển chuỗi liên kết chính là việc thị trường vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa các sản phẩm sản xuất theo chứng chỉ an toàn và sản phẩm khác. Vậy nên vẫn còn nhiều cơ sở chưa mặn mà nâng cấp, xây dựng chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, quản lý để tạo ra sản phẩm an toàn, truy nguyên được nguồn gốc.

Liên kết chuỗi sẽ chỉ bền vững khi mà người nông dân bảo đảm chữ tín trong sản xuất và sự chung thủy trong hợp đồng. Nông dân cần hiểu được mình có vị trí quan trọng như thế nào trong chuỗi liên kết.

Họ chính là khâu đầu tiên, còn tiếp đến là sự chung sức của các DN. Có bền chặt mới mong cùng sung túc, chi cục trưởng Chi cục quản lý nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng khẳng định.