Thay đổi tư duy tài trợ cho nghệ thuật

Tài trợ, với tất cả các dạng thức của nó, trước mắt hoặc lâu dài, có lợi ích trở lại hay phi vụ lợi, được xem là một khía cạnh quan trọng trong vận hành một nền thị trường đầy đủ cho nghệ thuật nói riêng, nằm trong một cơ chế thị trường đầy đủ nói chung. Nhưng thực tiễn tài trợ cho nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập.

Sự “vào cuộc” của doanh nghiệp giúp công chúng trong nước được thụ hưởng những giá trị văn hóa đỉnh cao.             Ảnh: DƯƠNG BÁCH
Sự “vào cuộc” của doanh nghiệp giúp công chúng trong nước được thụ hưởng những giá trị văn hóa đỉnh cao.             Ảnh: DƯƠNG BÁCH

Người ăn không hết

Nhiều năm qua, các hình thức tài trợ cho nghệ thuật chủ yếu vẫn dành cho những lĩnh vực dễ thu hút được đông đảo công chúng, dễ tạo thành các sự kiện truyền thông nóng, lớn. Chính vì thế, đã tồn tại lâu nay tình trạng “nước chảy chỗ trũng”, có những lĩnh vực xin được tài trợ một cách rất dễ dàng, nhất là có điều kiện “lên sóng truyền hình trực tiếp”, trong khi, có lĩnh vực thì tìm mỏi mắt không ra người tài trợ như mỹ thuật hay nghệ thuật hàn lâm.

Nắm bắt được thị hiếu của đại chúng, nhất là công chúng trẻ, nhiều hãng kinh doanh đã sử dụng hình thức tài trợ cho các chương trình biểu diễn của những ngôi sao nhạc nhẹ trong nước. Ngay với rock, một thể loại âm nhạc tương đối kén người thưởng thức, thì giờ ở Việt Nam cũng đã có các đại nhạc hội, các tour xuyên Việt dưới sự bảo trợ, tài trợ của một vài thương hiệu đang muốn tìm chỗ đứng trong thế hệ khách hàng trẻ. Cũng là lĩnh vực nhạc nhẹ, một vài thương hiệu còn thực hiện chuỗi chương trình giới thiệu tác giả nhạc sĩ cùng ca sĩ do họ lựa chọn, được xây dựng công phu hơn, dành tặng khách hàng lớn của họ.

Trên sóng truyền hình, lĩnh vực nhạc nhẹ cũng chiếm đa số trong nội dung các chương trình truyền hình thực tế, được nhiều nhãn hàng tài trợ. Bên cạnh đó, các hình thức nghệ thuật dễ lôi cuốn đại chúng như khiêu vũ, khiêu vũ thể thao, cũng dễ dàng có được các nhà tài trợ lớn nhỏ một khi đã được lên sóng truyền hình quốc gia. Thực chất, đây là một dạng tài trợ có lợi ích, chỉ là một hình thức chi trả khác để làm quảng cáo thương hiệu mà thôi.

Kẻ lần chẳng ra

Trong khi đó, có những lĩnh vực nghệ thuật mà lâu nay, dùng tiền túi là cách thức gần như duy nhất để nghệ sĩ giới thiệu thành quả lao động nghệ thuật của mình đến với công chúng, đồng nghiệp và… không dám mong thu lại được từ tiền bán tác phẩm.

Hầu hết các triển lãm hội họa, điêu khắc cá nhân hoặc nhóm do các nghệ sĩ chủ động đứng ra tổ chức đều được thực hiện theo cách này. Với giá thuê địa điểm có thể chấp nhận trưng bày tác phẩm được, bảo đảm các yêu cầu tối thiểu về không gian, ánh sáng, thường tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hoặc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, dao động từ 3 đến 3,5 triệu đồng/ngày, đấy là chưa kể chi phí vận chuyển tác phẩm hai chiều, chi phí trưng bày, tổ chức khai mạc, và trăm thứ tiền lặt vặt khác cho một kỳ cuộc, không khó để thấy có những triển lãm chỉ kéo dài trong vòng hai, ba ngày, người biết tin chưa kịp đến xem thì đã đóng cửa.

Không nhìn thấy tiềm năng tài trợ từ trong nước, không dễ tìm được khách hàng mua tác phẩm, nhiều nghệ sĩ mỹ thuật vì muốn giới thiệu thành quả lao động sáng tạo của mình, đành phải chấp nhận san sẻ thời gian đi làm thuê cho các “công trình” như tượng đài, tranh trang trí hoành tráng, phục dựng đại cảnh, sản xuất đồ gốm, đồ sơn mài mỹ nghệ… để tích cóp tài chính, trở thành đại gia tài trợ lại cho chính mình. Nói như nhà điêu khắc Nguyễn Nguyên Hà, tiêu tiền cho một triển lãm điêu khắc cá nhân ở Việt Nam là “quá mơ mộng, xa xỉ” song nghệ sĩ vẫn phải làm, muốn làm, trước hết vì danh dự nghề nghiệp.

Một số thương hiệu lớn trên thế giới như Hennessy, Toyota đã dành tài trợ định kỳ cho các chương trình hòa nhạc giao hưởng hằng năm tại Việt Nam, song lại chưa có thương hiệu Việt Nam nào làm được việc này. Thực tế là có một số vở diễn mới của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam được dàn dựng công phu bằng tiền ngân sách nhà nước, đạt chất lượng cao, song để đưa ra công chúng rộng rãi hơn sau một vài buổi công diễn báo cáo dường như là việc bất khả thi. Có thể kể đến một vở mới nhất là Khoảnh khắc bất tử dài 62 phút, có khoảng 150 người tham gia, trong đó có hơn 40 nghệ sĩ múa, 60 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng và một dàn hợp xướng lớn. Sau khi công diễn báo cáo vào cuối năm 2014, vở tiếp tục được “lưu kho” như rất nhiều vở diễn khác của nhà hát. “Nếu muốn tiếp tục công diễn phục vụ nhân dân, chúng tôi phải có kinh phí cho mỗi buổi tối thiểu là 200 triệu đồng, bao gồm tiền thuê địa điểm biểu diễn và bồi dưỡng cho diễn viên, nhạc công, ca sĩ tham gia” – NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát, cho biết. “Nguồn kinh phí cho việc công diễn tiếp tục thì hoặc phải được xã hội hóa, có nguồn tài trợ hoặc bán được vé, song cả hai nguồn này dành cho các chương trình như Khoảnh khắc bất tử là rất khó khăn” – ông Phương thừa nhận.

Cần một chính sách nền tảng thiết thực

Cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, Việt Nam đã và đang dần hình thành một tầng lớp doanh nhân đông đảo, giàu tiềm lực tài chính, lọt vào các top doanh nhân có thu nhập cao trên thế giới. Việt Nam cũng đã có được một mạng lưới các doanh nghiệp lớn, trong đó có cả doanh nghiệp lọt vào top nghìn doanh nghiệp lớn toàn cầu. Vậy làm thế nào để một phần nguồn tài chính lợi nhuận từ đó được đầu tư trở lại cho nghệ thuật nói chung, nhất là các lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm, đỉnh cao, không dễ thu lại được lợi nhuận trước mắt, trực tiếp hoặc gián tiếp?

Theo họa sĩ Võ Xuân Huy, giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế, ở Thái-lan, giới mỹ thuật có nhiều sân chơi quy mô toàn quốc, được các tập đoàn tài chính bảo trợ như Ngân hàng Bangkok, Ngân hàng Nông nghiệp Thái-lan, hãng Toshiba, hãng Panasonic,… Ngân hàng Thái-lan xem tác phẩm nghệ thuật cũng có giá trị lưu giữ và sinh lời như các đồ vật có giá trị khác. Cách này cũng được một số ngân hàng lớn của Trung Quốc áp dụng, coi các tác phẩm mỹ thuật như một tài sản cầm cố cho vay. Có thể nói, tư duy này tác động rất mạnh trở lại thị trường mỹ thuật trong nước, góp phần thúc đẩy nhà đầu tư trong nước mua tác phẩm, đẩy giá tác phẩm lên cao và cuốn hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Trung Quốc có những họa sĩ đương đại mà giá tranh sau 10 năm
(1995 - 2005) tăng gấp 100 lần, từ 50 nghìn USD lên 5 triệu USD. Đây là con số thặng dư hấp dẫn không thua kém bất kỳ một lĩnh vực kinh doanh nào.

Nhìn rộng ra, đó là hình thức học hỏi từ thị trường nghệ thuật lâu đời ở phương Tây; nhiều ngân hàng lớn đều có các bộ sưu tập mỹ thuật rất giá trị, thậm chí là cả các giải thưởng mỹ thuật mang tầm cỡ quốc tế. Ngân hàng quốc gia Đức Deutsch Bank là một thí dụ. Nhưng để điều này xảy ra, phải có một hệ thống thể chế chính sách liên quan tương ứng, cốt lõi là chính sách giảm trừ thuế doanh nghiệp cho các phần tiền hỗ trợ nghệ thuật phi lợi nhuận. Như vậy doanh nghiệp vẫn bảo đảm quyền lợi của mình, không bị thất thu và hình ảnh doanh nghiệp cũng được nâng cao. Ở những nước có các chính sách này, số lượng doanh nghiệp lớn tài trợ cho nghệ thuật ngày càng nhiều song cũng là các doanh nghiệp ấy, khi hoạt động ở Việt Nam, họ chỉ chi tiền quảng cáo thương hiệu trên truyền thông, hoặc làm từ thiện thay vì tài trợ cho nghệ thuật.

Từ những dẫn chứng thực tiễn trên, có thể nói rằng, việc tài trợ cho các lĩnh vực nghệ thuật cần phải được nhìn nhận là một khía cạnh quan trọng trong một thị trường nghệ thuật đầy đủ, tác động tương hỗ đến sự phát triển của thị trường này. Thực tế Việt Nam cũng đã xuất hiện các nhà đầu tư, tài trợ cho nghệ thuật một cách bài bản, chuyên nghiệp, song con số chưa đáng kể và bản thân các nhà đầu tư này đôi khi cũng chưa muốn lộ diện vì e ngại nhiều lẽ. Chỉ có các công cụ chính sách công khai khuyến khích các hoạt động này mới có thể thúc đẩy họ mạnh dạn hơn nữa trong đầu tư, tài trợ, tạo nên một mặt bằng thị trường nghệ thuật mới,
xác tín và phát triển.