Thay đổi tư duy lập pháp “chọn cho”

Công tác xây dựng pháp luật giai đoạn gần đây lại làm dậy sóng dư luận bởi một số dự thảo văn bản pháp quy đưa ra những quy định vô lý đến khó hiểu. Không phải không có lý khi một luật gia giàu kinh nghiệm nhận xét rằng, có văn bản là sản phẩm của sự non kém về trình độ. Nhưng điều đó vẫn chưa đáng sợ bằng nguy cơ quá trình xây dựng luật có thể bị “bẻ lái” bởi những nhóm lợi ích.

Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (TCVN 12607:2019), là một thí dụ rất điển hình của tư duy làm luật kiểu “chọn cho” được coi là đã lỗi thời. Ảnh: ANH
Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (TCVN 12607:2019), là một thí dụ rất điển hình của tư duy làm luật kiểu “chọn cho” được coi là đã lỗi thời. Ảnh: ANH

Ðiều đã biết chỉ là hạt muối…

Dư luận có quyền đặt câu hỏi lớn về Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (TCVN 12607:2019), “sản phẩm” của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Theo Luật sư Trương Thanh Ðức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, ngay từ tên gọi, bản dự thảo này đã khiến người ta không khỏi phân vân. “Quy chuẩn có ý nghĩa bắt buộc phải thực hiện, chứ không phải chỉ mang ý nghĩa khuyến nghị, trong khi tiêu chuẩn là không bắt buộc. Khái niệm “quy phạm” ở đây khiến người ta hiểu là bắt buộc chứ không như giải thích của cơ quan soạn thảo”, ông Ðức nói và dẫn chiếu Ðiều 69.2 về “Ðiều khoản chuyển tiếp” của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn 2006. (Theo đó, các quy định kỹ thuật, quy trình, quy phạm, quy chuẩn, tài liệu kỹ thuật bắt buộc áp dụng đã được ban hành phục vụ quản lý nhà nước được xem xét để chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật).

Tuy nhiên, bài viết này không nhằm bàn luận đúng sai đối với dự thảo này - vốn đã làm tốn nhiều giấy mực. Vả lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã quyết định dừng công bố văn bản “lỗi” đó.

Thật đáng ngạc nhiên, đây không phải một sản phẩm làm vội. Trả lời báo chí, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, dự thảo tiêu chuẩn trên đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu khá công phu trong khoảng 9 năm (2008 - 2017) và việc tổ chức xây dựng dự thảo cũng đã mất gần 2 năm (2017 - 2018)!

Tạm đặt sang bên nghi vấn “cài cắm lợi ích”, có thể nói bản dự thảo này là một ví dụ rất điển hình của tư duy làm luật kiểu “chọn cho” - chỉ cho phép xã hội làm những điều mà người soạn thảo đã biết. Nhưng điều mà một nhóm các nhà soạn thảo, dù tài năng lỗi lạc đến đâu, có thể biết, cũng chỉ là hạt muối so với đại dương tri thức của nhân loại.

Và vì thế, đấy là một kiểu tư duy làm luật đã lỗi thời.

Một ví dụ khác, như cách nói khôi hài của một luật gia, là thông tư “không cho thỏ ăn cà rốt” - Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT, cũng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định về những loại thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam. Trong danh mục đó, không có cà rốt, rau muống, rau cải, rau lang, rau rừng, bèo...; tóm lại là không có rau củ quả (trừ khoai, sắn).

Nếu cứ đằng thằng thực hiện, thì có nguy cơ cao là một người bán bèo cho người chăn nuôi heo có thể bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng (?!) bởi Nghị định 64/2018/NÐ-CP, Ðiều 9.2 quy định xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi “mua bán thức ăn chăn nuôi chưa được phép lưu hành tại Việt Nam”. Ðể một loại thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam thì hoặc phải làm thủ tục đăng ký lưu hành tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) theo Ðiều 12 của Nghị định 39/2017/NÐ-CP; hoặc loại thức ăn chăn nuôi đó phải nằm trong Danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán do NNPTNT quy định tại Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT. Các loại rau củ quả như kể trên (bao gồm cả bèo) không nằm trong Thông tư 02, cũng chưa bao giờ được đăng ký tại Bộ NNPTNT. Trong khi đó, lời biện hộ của ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lại như đổ thêm dầu vào lửa dư luận: “Chưa ai phạt đâu, nhưng hộ chăn nuôi vẫn nên xác định rõ là nên sử dụng thức ăn bảo đảm, an toàn. Không nên nghĩ heo nhà tôi, tôi thích cho ăn gì thì cho”.

Thay đổi tư duy lập pháp “chọn cho” ảnh 1

Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

quy định về những loại thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam có nhiều nội dung gây bức xúc dư luận, không phù hợp thực tế.

“Chọn bỏ” như thế nào?

Những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ nói nhiều đến việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển. Nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn, đó là Nhà nước kiến tạo phát triển - một Nhà nước pháp quyền, quản trị đất nước bằng pháp luật và theo pháp luật, bảo đảm các quyền con người và quyền công dân, ít can thiệp hành chính vào đời sống xã hội. Lẽ ra, với tư duy “chọn bỏ”, cơ quan ban hành văn bản chỉ cần khoanh vùng những điều không được làm (ít hơn nhiều và dễ xác định hơn nhiều), còn lại, người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.

Nói cách khác, hệ thống pháp luật hướng tới kiến tạo phát triển cần phải được xây dựng và hoàn thiện bằng một tư duy mới: làm luật không phải chỉ để quản lý, để bảo đảm an toàn xã hội một cách thuần túy và cứng nhắc mà phải hướng đến việc tạo dựng một môi trường, một hành lang pháp lý an toàn, thuận lợi cho sự phát triển của xã hội.

Tỏ ra rất sốt ruột về việc “đích đến của một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi vẫn còn xa”, TS Phan Ðức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thẳng thắn đề nghị cho phép doanh nghiệp tham gia vào hàng loạt lĩnh vực mà họ vẫn còn “chưa được phép” một cách bất hợp lý. Chẳng hạn, hoạt động kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm hoàn toàn có thể trao hẳn cho khu vực tư nhân. Các bộ, ngành không cần, không nên duy trì các cơ quan kiểm tra kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, vừa dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa bó hẹp cơ hội kinh doanh của khối doanh nghiệp tư nhân…

“Sàng sảy” ngay từ đầu những văn bản kém

Vậy làm thế nào để chọn lọc, loại bỏ ngay từ đầu những văn bản pháp luật chất lượng kém?

Không khác tất cả các lĩnh vực khác, chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp căn cơ nhất. Nhưng trong khi chưa nâng cấp cán bộ ngay được và cũng chưa thay đổi được căn bản cách thức xây dựng pháp luật (ngay từ khâu giao việc, để cơ quan soạn thảo không phải là cơ quan trực tiếp quản lý việc thực hiện chính sách), thì việc có thể làm ngay là thực hiện đúng quy trình xây dựng pháp luật.

Theo đó, mọi chính sách trước khi ban hành phải được đánh giá tác động, được công khai với đầy đủ tài liệu và bảo đảm đủ thời gian để các chủ thể có liên quan góp ý. Các ý kiến phản biện cũng cần được giải trình đầy đủ. Trường hợp của Thông tư 02/2019 là một “phản ví dụ” khá điển hình: Thông tư này có hiệu lực từ 11-2-2019, trong khi mới chỉ được đăng trên website của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ ngày 10-1-2019. Theo quy định hiện hành, lẽ ra phải sau 60 ngày, tức là ngày 11-3-2019 mới hết hạn lấy ý kiến!

Một sự “vội vàng” ấu trĩ hay hữu ý? Ðược biết, Cục Kiểm tra văn bản pháp luật của Bộ Tư pháp đã mời các chuyên gia làm việc về trường hợp này.

Và rất có thể, một tiếng còi sẽ được cất lên.