“Tham bát” dễ “mất mâm”

Các công ty lữ hành muốn càng đông khách càng tốt. Địa phương có điểm du lịch cũng thế, bởi khách càng đông, thu nhập từ du lịch càng lớn. Nhưng các điểm du lịch đều có “ngưỡng chịu tải”. Quá “tham bát” dễ dẫn đến nguy cơ “mất mâm”.

Bãi đá cổ Sa Pa, Lào Cai, bị nhiều du khách vô ý thức viết và vẽ bậy. Ảnh: ANH SƠN
Bãi đá cổ Sa Pa, Lào Cai, bị nhiều du khách vô ý thức viết và vẽ bậy. Ảnh: ANH SƠN

1. Phần lớn người đi du lịch Sa Pa về đều thở dài. Nhất là những người từng đến Sa Pa cách đây khoảng chục năm. Nhận định chung là: Sa Pa bây giờ không như xưa. Sa Pa hôm nay chẳng khác mấy so với các đô thị ở nhiều địa phương khác. Cũng nhà ống kín mít. Cũng bê-tông chen lấn. Tìm cái “chất” Sa Pa ngày nào thật khó. Những dịp cuối tuần, nhất là nghỉ lễ dài ngày, lên thị trấn trong mây này, thay vì ngắm nhìn, khám phá nét văn hóa các dân tộc thiểu số thì chủ yếu là du khách... ngắm lẫn nhau. Người dân tộc Mông, Dao bản địa chỉ còn là con số rất nhỏ, khi người dưới xuôi lên đây mua đất, kinh doanh ngày một nhiều. Nét văn hóa bản địa chỉ còn tìm được khi đến các bản xa xa. Nhưng cũng đã phôi pha ít nhiều. Còn ở ngay chính Sa Pa, người ta vẫn gặp những đứa trẻ cùng mẹ ngồi bán hàng. Chúng mặc đẹp hơn xưa, rất thạo nói những câu tiếng Anh để xin tiền khi khách chụp ảnh. Giúp Sa Pa níu chân khách bây giờ hình như chỉ còn… cái cáp treo lên đỉnh Phan-xi-păng. Mọi việc chưa có dấu hiệu dừng lại. Công trường vẫn ngổn ngang, máy móc vẫn rầm rập. Sa Pa sẽ rũ bỏ cái tên “thị trấn trong mây”. Sa Pa sẽ thành thị xã trong tương lai gần. Có người bảo rằng, cái ngày Sa Pa trở thành... đại đô thị không còn xa. Sa Pa vẫn đổi thay, nhưng tốc độ đổi thay nhanh hơn khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai được khánh thành. Năm 2017 Sa Pa đón 2,5 triệu khách du lịch.

Cảnh quan thiên nhiên, di tích, di sản... được coi là tài nguyên du lịch. Song, cũng vì quan niệm “tài nguyên”, nên nhiều người chỉ nghĩ đến làm sao khai thác một cách nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Địa phương nơi có tiềm năng du lịch mong khách đến càng đông càng tốt; vừa bán vé các điểm tham quan, vừa tăng thu qua các hoạt động thương mại dịch vụ. Các công ty lữ hành có chung mục đích ấy. Ít ai nghĩ đến khai thác một cách bền vững. Ít ai nghĩ đến việc sức dung chứa của mỗi khu du lịch khoảng bao nhiêu khách mỗi năm là con số hợp lý. Con số hợp lý với các nhà quản lý là con số tăng trưởng càng cao, càng tốt.

2. Tình trạng quá tải khách du lịch ở Hội An (Quảng Nam) cũng đã được nhiều lần nói đến. Năm 2017, Hội An đón 3,22 triệu khách du lịch. Tính trung bình, mỗi ngày Hội An đón gần chín nghìn khách. Diện tích phố cổ Hội An bé như lòng bàn tay. Chừng ấy con người ùn ùn kéo đến, đem theo bao nhiêu rác thải, gây áp lực lên hạ tầng, khả năng phục vụ... Hội An là một đô thị cổ thanh bình. Giờ điều đó đã thành xa xỉ. Di sản bị ảnh hưởng, hoặc bị tàn phá bởi khách du lịch là điều UNESCO luôn cảnh báo. Điều đó thành sự thật ở Hội An khi chùa Cầu - một kiến trúc độc đáo của thành phố bị xuống cấp nhanh chóng bởi cây cầu cổ mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách tham quan. Ai cũng muốn dừng chân lâu để ngắm và chụp ảnh. Bản sắc văn hóa Hội An cũng thay đổi khi người dân các nơi ùn ùn đổ đến kinh doanh. Phố cổ Hà Nội cũng quá tải. Nhưng khát vọng xây thêm các khách sạn, nhà hàng trong khu vực phố cổ của người Hà Nội chưa bao giờ dừng lại.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Từ Mạnh Lương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Sức chứa tối đa là số lượng du khách cho phép đến các khu du lịch, điểm du lịch trong một thời gian, không gian nhất định, được bao nhiêu thì sẽ không ảnh hưởng đến cảnh quan, các cơ sở hạ tầng du lịch không bị quá tải. Nếu mỗi địa điểm du lịch vượt ngưỡng sức chứa tối đa sẽ dẫn đến các mâu thuẫn, xung đột, điển hình như hệ thống xử lý nước thải, rác thải không đáp ứng kịp, ảnh hưởng đến môi trường. Lý thuyết là như thế. Song, thực tế, khái niệm này thường bị bỏ qua, hoặc xếp xuống hàng cuối khi xây dựng các quy hoạch, đề án khai thác du lịch. Tại nhiều quốc gia, các điểm du lịch quan trọng thường có quy định rõ về mỗi đợt khách tham quan, thời gian dành cho duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa… Điển hình như việc tham quan lăng mộ Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc) hay các Kim tự tháp (Ai Cập)... Ở Việt Nam, hiện tại, dường như chỉ mỗi hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) là vẫn đang khống chế lượng khách tham quan để không ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan của hang động đặc biệt này.

Tỉnh Lào Cai phấn đấu đón tám triệu khách du lịch đến Sa Pa vào năm 2030. Nhiều địa phương khác vẫn tiếp tục “tăng cường khai thác”. Còn ở Hội An, năm 2017, riêng tiền bán vé đã đạt mức 220 tỷ đồng. Chưa kể nguồn thu gián tiếp du lịch mang lại là hàng nghìn tỷ đồng khác. Đây đều là những con số gần như “không thể chối từ”. Nhưng nếu cứ muốn duy trì đà tăng trưởng với tốc độ cao, bản thân những điểm du lịch trên liệu có còn hấp dẫn? Như khi người ta thấy “rừng bê-tông” ở Sa Pa, như khi bản sắc văn hóa Hội An nhạt dần theo năm tháng, hay tình trạng chất lượng dịch vụ giảm sút xảy ra ở nhiều khu du lịch khi quá đông khách? Cùng với tính toán sức chứa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến đề xuất một khái niệm còn khá mới mẻ: Thay vì chạy theo số lượng khách, chúng ta nên nghĩ đến việc đón khách có chọn lọc, chú trọng đón những đoàn khách có khả năng chi tiêu cao. Yếu tố này sẽ giúp cân bằng bài toán quá tải của các khu du lịch.