Tất yếu lịch sử và khách quan

“Ở Việt Nam, việc xây dựng nhà nước pháp quyền đang được đặt ra như một tất yếu lịch sử và tất yếu khách quan. Sau hơn 30 năm đổi mới, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng”, đó là đánh giá của PGS, TS Đinh Xuân Thảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cuộc trả lời phỏng vấn của Nhân Dân cuối tuần.

Tất yếu lịch sử và khách quan

- Là người nhiều năm gắn bó với cơ quan phụ trách công tác nghiên cứu và xây dựng luật của Quốc hội, ông có thể giới thiệu những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam là gì?

- Từ góc nhìn của người có nhiều thời gian làm luật, theo tôi, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có những đặc trưng cơ bản sau:

Một là, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là biểu hiện tập trung của chế độ dân chủ. Dân chủ vừa là bản chất của nhà nước pháp quyền vừa là điều kiện, tiền đề của chế độ nhà nước. Mục tiêu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là xây dựng và thực thi một nền dân chủ, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua dân chủ trực tiếp; dân chủ đại diện.

Hai là, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Trong Nhà nước pháp quyền, ý chí của nhân dân và sự lựa chọn chính trị được xác lập một cách tập trung nhất, đầy đủ nhất và cao nhất bằng Hiến pháp.

Ba là, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tôn trọng, đề cao và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội. Cuộc đấu tranh hơn 70 năm đầy gian khổ hy sinh của dân tộc Việt Nam vì độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng suy cho cùng, chính là vì quyền con người, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của cộng đồng dân tộc và của từng cá nhân, từng con người.

Bốn là, quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được tổ chức và thực hiện theo các nguyên tắc dân chủ: phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực.

Năm là, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam gắn liền với một cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật phù hợp.

Sáu là, trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo, tổ chức xây dựng Nhà nước pháp quyền.

- Thời gian qua, công tác xây dựng luật được quan tâm ra sao để góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam?

- Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986) đến nay, Quốc hội đã quan tâm hoạt động lập hiến (ban hành Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 và Hiến pháp năm 2013). Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, đồng thời thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011). Đây là sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của Việt Nam.

Cùng với hoạt động lập hiến, Nhà nước đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khung pháp lý cho sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chế độ sở hữu và các hình thức sở hữu, địa vị pháp lý của các doanh nghiệp, thương gia, quyền tự do kinh doanh và tự do hợp đồng, các cơ chế khuyến khích và bảo đảm đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội đã từng bước được xác lập. Hệ thống pháp luật đã cơ bản được hoàn thiện cả về nội dung và hình thức, số lượng và chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (Chỉ tính riêng hoạt động lập pháp của Quốc hội, từ năm 1987 đến nay, Quốc hội đã ban hành hơn 300 đạo luật).

- Ông vừa nói về ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013. Vậy Hiến pháp năm 2013 có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy sự vận hành của Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta?

- Trước khi có Hiến pháp năm 2013, ở Việt Nam, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nội dung “kiểm soát quyền lực”.

Việc bổ sung, khẳng định nội dung “kiểm soát quyền lực” trong Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự phát triển về nhận thức trong việc thừa nhận nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Nội dung “kiểm soát quyền lực” được đưa vào Hiến pháp năm 2013 chính là sự bổ sung và hoàn thiện nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam, là cơ sở cho việc tiếp tục tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong giai đoạn tới.

-Thời gian qua, vẫn xảy ra tình trạng luật được ban hành nhưng vẫn còn bất cập, khó áp dụng. Để luật đi vào cuộc sống, ông nhìn nhận cần chú ý vào những khâu gì?

- Theo Hiến pháp năm 2013, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, chủ thể có quyền giám sát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) bao gồm: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trong quá trình thực hiện giám sát, các chủ thể này đã tập trung vào xem xét tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi của VBQPPL, tiến độ ban hành VBQPPL để chi tiết hóa và hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội của các cơ quan của Quốc hội trong những năm qua còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm thường xuyên và chưa có chế tài nghiêm khắc nên dẫn đến tình trạng các cơ quan hữu quan nợ đọng văn bản hướng dẫn quá nhiều.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng ban hành thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, đặc biệt là thông tư liên tịch, chưa có chuyển biến rõ rệt, tiến độ ban hành còn chậm, chất lượng chưa cao, thậm chí có tình trạng ban hành văn bản trái với văn bản cấp trên.

Sở dĩ hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH đối với VBQPPL chưa phát huy hiệu quả trên thực tế là do:

Một là, một số quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội còn thiếu cụ thể hoặc chưa phù hợp.

Hai là, do năng lực giám sát văn bản của các chủ thể giám sát bị hạn chế. Thực tế cho thấy, Quốc hội một năm chỉ họp hai kỳ, nếu không có các cơ quan chuyên môn thực hiện việc giám sát và báo cáo bằng văn bản thì Quốc hội không thể tự mình đặt lên bàn nghị sự việc giám sát văn bản và đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đầy đủ của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hữu quan.

Như vậy, để luật phát huy hiệu lực trong cuộc sống, các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, bất cập trên.

- Nhà nước pháp quyền là sản phẩm và tinh hoa tri thức, trí tuệ của loài người. Để cho nhà nước pháp quyền vận hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo ông, sẽ cần tập trung vào những điểm mấu chốt nào?

- Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước trong hơn 30 năm qua đã có những bước tiến nhất định. Các nghị quyết của Đảng đã từng bước làm rõ những phương hướng cơ bản về mối quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trên các lĩnh vực.

Có một điều tôi muốn nhấn mạnh thêm ở đây là: Đảng lãnh đạo Nhà nước, không bao biện, làm thay công việc của Nhà nước nhưng Đảng phải nắm chắc công việc của Nhà nước để không bị động, lúng túng trong lãnh đạo Nhà nước. Đồng thời, Đảng phải luôn khắc phục nguy cơ tiềm ẩn của một đảng cầm quyền, như: xa dân, chủ quan, duy ý chí và quan liêu trong xây dựng chủ trương, đường lối; dễ áp đặt ý muốn chủ quan đối với các cơ quan nhà nước hoặc tự đặt Đảng lên trên Nhà nước và pháp luật.

Cùng với quá trình tự đổi mới, tự chỉnh đốn, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, cần phải đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để phân định và làm rõ mối quan hệ trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ” trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và chủ động hội nhập quốc tế.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!