Sao người lớn không nêu gương?

Người lớn phàn nàn về những hành vi khiếm nhã thậm chí lố bịch của giới trẻ nơi công cộng. Thế nhưng chính họ lại chưa nêu gương, hoặc nhắc nhở người trẻ trước mỗi lối ứng xử chưa đúng. Hơn thế, nhiều phụ huynh có cách hành xử dễ dãi, trong khi việc nêu gương từ chính trong mỗi gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến các bạn trẻ.

Vị khách nước ngoài ra hiệu cho người tham gia giao thông đi chậm lại trong khu phố đi bộ của phố cổ Hà Nội.
Vị khách nước ngoài ra hiệu cho người tham gia giao thông đi chậm lại trong khu phố đi bộ của phố cổ Hà Nội.

1 Một ông bố hút thuốc lá, thuốc lào, bạ chỗ nào cũng khạc nhổ mà chẳng để ý đến chung quanh, có phải là hình ảnh đẹp? Hay ngồi trong một chiếc ô-tô sang trọng, giữa đường phố đông đúc cũng hạ kính xuống để phi ra đường một bọc rác? Bọn trẻ sẽ nghĩ gì về những điều đó? Ắt hẳn chúng sẽ nghĩ, việc gì người lớn làm được thì trẻ con cũng vậy. Từ đó mà hình thành tính cách coi thường môi trường, cộng đồng, làm tất cả những gì mình thích mà không nghĩ rằng điều đó ảnh hưởng đến người khác. Dù rằng, những hành động đó của người lớn có thể do thói quen, nhưng rõ ràng đó là thói quen xấu. Có thể nói thói quen tiểu nông theo đuổi người thành phố một cách rất điển hình trong việc xả rác. Nhiều người ở phố thường coi vỉa hè là sân nhà mình và đường là vườn nhà mình để xả rác. Trên vỉa hè nào bếp than tổ ong, nào chậu lớn xô bé. Nhặt rau xong vứt toẹt gốc rễ xuống đường, rửa rau xong đổ nước lênh láng ra vỉa hè. Hằng ngày chứng kiến cảnh như vậy, hỏi đứa trẻ nào mà không tiện tay vứt vỏ hộp sữa vừa uống xong xuống đường.

Trong mỗi con người, luôn có cái tốt, cái xấu đan xen. Vấn đề của mỗi người lớn, là phải làm sao để cái tốt được nhân lên, tạo điều kiện cho cái tốt lấn át cái xấu. Những đứa trẻ, sau này là thanh niên, là những công dân, khi đến trường sẽ được thầy cô dạy bảo: “Phải bỏ những thói quen xấu và phát huy những hành vi đẹp”. Các em thuộc bài rất nhanh nhưng để từ bỏ thói quen xấu thì rất lâu, có em không bao giờ bỏ được, bởi hằng ngày các em không thấy bố mẹ mình làm gương. Điều đó thật đáng buồn.

2 Một lần tôi cùng chị Kato Sakea, một dịch giả người Nhật tản bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Chị nhìn những đôi trai gái đang ôm hôn nhau trên ghế đá, cười và nói với tôi: “Ở đây nhiều người hôn nhau nhỉ?”. Tôi nói với chị: “Vâng chị ạ. Bây giờ các bạn trẻ cởi mở lắm”. Chị im lặng suy nghĩ một chút rồi bảo: “Sao ở đây không có những người lớn nói với các bạn trẻ rằng những hành vi riêng tư quá thì nên để ở trong nhà. Nơi công cộng như thế này thì không nên. Ở Nhật Bản những người lớn khi thấy trẻ em hoặc thanh niên có những hành vi không tốt ở nơi công cộng thì nhắc nhở. Người lớn như em có khi nào đã nhắc nhở các em ấy không?”.

Tôi im lặng khá lâu để suy nghĩ. Quả là chưa khi nào tôi dám nhắc nhở một người trẻ nào có hành vi không tốt ở nơi công cộng. Tôi sợ sự phản ứng thái quá của các bạn đó, có thể là bị chửi, có thể là bị đánh... Tâm sự về điều này, chị Kato Sakea cho biết, ở Nhật Bản, người lớn sẵn sàng nhắc nhở người trẻ về những hành vi sai. Họ chấp nhận bị chửi, thậm chí bị đánh. Nếu chẳng may bị đánh, thì người lớn chung quanh cũng mau chóng can thiệp. Từ đó mà nơi công cộng, đa số thanh niên đều có các hành động đúng mực, lối sống đi vào nề nếp, người trẻ biết tôn trọng môi trường và kính trọng người trên.

3 Vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao chuyện một vị khách nước ngoài chặn và yêu cầu một cô gái dắt xe máy trong tuyến phố đi bộ. Cô gái đi xe máy trong dòng người đi bộ là sai và vị khách ứng xử như vậy là đúng. Điều đó cho thấy thái độ cương quyết của vị khách và thấy trách nhiệm của ông đối với nơi mình đến. Đồng thời, cũng gợi cho chúng ta biết bao bài học. Không ít ý kiến cho rằng, cô gái đã sai. Và việc nhắc nhở những hành động sai trái, không phải là chuyện của thiên hạ, mà là của chính mỗi người dân có trách nhiệm cho sự phát triển của văn hóa công cộng.

Chúng ta khoan hãy nói đến những điều to tát. Chỉ là những hành vi đẹp, lối ứng xử văn hóa, nề nếp của người lớn, mới đủ sức làm lan tỏa đến tâm hồn chưa có nhiều trải nghiệm của người trẻ. Đó là những bài học không tốn kinh phí, có thể dạy ở bất cứ đâu, mà hiệu quả rất cao.