Rủi - may từ một sự cố

Các nhà khoa học cơ bản đã thống nhất được phương án xử lý việc hạ giải đình cũ, xây dựng đình mới ở làng Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Những cấu trúc bê-tông của đình mới sẽ được giữ lại, chỉnh sửa sao cho nội – ngoại thất gần giống với ngôi đình cũ. Tuy là giải pháp mang tính chữa cháy, nhưng nó lại gợi ý hướng mới trong tu bổ di tích, nhất là với những di tích chưa được xếp hạng.

Ðình Lương Xá khi chưa bị phá dỡ. (ảnh tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam).
Ðình Lương Xá khi chưa bị phá dỡ. (ảnh tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam).

Trong rủi có may

Ðình Lương Xá bị bê-tông hóa là điều không ai mong muốn. Nhưng nếu làm “đúng quy trình” thì gần như chắc chắn ngôi đình sẽ sập. Ngôi đình chưa được công nhận di tích cấp quốc gia hay thành phố. Chính quyền dĩ nhiên sẽ không cấp vốn đầu tư. Nếu như xin phép các cấp, các ngành làm đúng nguyên tắc bảo tồn, sử dụng các vật liệu truyền thống, các chuyên gia ước tính sẽ tốn khoảng mười tỷ đồng. Hiện tại, cùng với một số nhà hảo tâm, làng Lương Xá thu trung bình mỗi khẩu 800 nghìn đồng, dựng công trình mới bằng bê-tông, chỉ có phần mái hậu cung làm bằng gỗ mà dự kiến kinh phí cũng đã lên tới năm tỷ đồng, nếu kinh phí tăng gấp đôi thì mỗi khẩu phải đóng đến vài triệu đồng. Ðây cũng là điều bất khả thi.

Nhưng “trong rủi có may” là bởi dù phá đình cũ, làm đình mới bằng bê-tông, nhưng kích thước ngôi đình bê-tông tương đồng với ngôi đình cũ. Ðặc biệt, phần mái vẫn giữ thiết kế đầu đao. Khẳng định việc tự ý tháo dỡ đình cũ, xây đình mới là sai phạm, song, kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, hoàn toàn có thể sửa chữa những cấu trúc bê-tông để phần mái giống với ngôi đình cổ nhất. “Trong công tác bảo tồn, bảo tồn những giá trị cốt lõi là yêu cầu số một. Giá trị cốt lõi của đình Lương Xá gồm không gian văn hóa mà ngôi đình là một thành tố, hình thái kiến trúc nghệ thuật, hiện vật, dấu tích lịch sử. Sự cố tu bổ đã làm thay đổi, chia cắt các yếu tố, nhất là yếu tố hiện vật, dấu tích lịch sử bị thay đổi. Tuy nhiên, do không thể khôi phục ngôi đình bằng gỗ, chúng ta có thể chấp nhận cấu trúc bê-tông. Nhưng điều chỉnh cả nội và ngoại thất thì chúng ta vẫn giữ được không gian văn hóa và hình thái kiến trúc”.

Nhiều nhà khoa học đều cho rằng, phương án mang tính “chữa cháy” này là khả thi trong tình hình hiện nay. Và ít ra, người dân Lương Xá sẽ có không gian tâm linh, không gian sinh hoạt cộng đồng chắc chắn, không phải “đội nón, mặc áo mưa” cho tượng và nơm nớp lo đình sập.

Gợi mở phương án bảo tồn

Cùng với cố gắng giữ lại những cấu kiện cũ ở mức tối đa, nguyên tắc của bảo tồn là sử dụng các vật liệu truyền thống. Trong kiến trúc cổ truyền, vật liệu cơ bản được dùng là gỗ, đá, gạch, ngói. Gỗ là vật liệu tốn kém nhất, thường dùng loại tứ thiết - đinh, lim, sến, táu. Ngày nay, các loại gỗ trên ở Việt Nam đều thuộc loại gỗ quý phải bảo tồn, không được đốn hạ. Mỗi khi tu bổ, chúng ta thường nhập từ nước ngoài về. Song, giá thành không vì thế mà rẻ đi. Có những cây cột gỗ lim giá đã lên tới hàng trăm triệu đồng.

Nhiều di tích sẽ không tránh khỏi sập đổ nếu trông chờ vào tu bổ “đúng quy trình, chuẩn quy tắc”. Dẫu không mong muốn, việc kết hợp sử dụng vật liệu bê-tông vào trong tu sửa vẫn là giải pháp tháo gỡ vướng mắc kể trên khi phương pháp này góp phần hạ giá thành. Tại đình Lương Xá, phần hậu cung dự kiến sẽ được làm nền móng, cột bằng bê-tông. Nhưng toàn bộ cấu trúc mái sẽ làm bằng gỗ, với các mảng chạm khắc theo mô típ cổ truyền. Nếu như tòa đại bái nhiều người còn băn khoăn về việc chấp nhận cấu trúc bê-tông thì các nhà khoa học đã tìm được sự đồng thuận trong xử lý phần hậu cung.

Một số quận, huyện của Hà Nội có số lượng di tích còn lớn hơn cả một số tỉnh, thành. Như Thường Tín, Ứng Hòa, Ba Vì, Chương Mỹ… Trong đó, Thường Tín chắc chắn là huyện giữ kỷ lục về số lượng di tích trong một quận, huyện trên toàn quốc - 440 di tích. Huyện trung bình của Hà Nội về số di tích là Phúc Thọ - 173 di tích các loại. Mỗi năm huyện chỉ có khả năng chi 1,5 đến 2 tỷ đồng để sửa chữa lặt vặt và chống xuống cấp cho 15-20 di tích. Mỗi khi di tích phải tu bổ lớn là cả vấn đề. Về vấn đề sử dụng vật liệu mới, TS Nguyễn Viết Chức cho biết: “Di sản của chúng ta không phải “nhất thành bất biến” mà có những bổ sung nhất định qua từng thời kỳ. Những cái nào có thể thay thế được là không hề đơn giản và phải thận trọng. Nhưng tôi cho rằng cần cố gắng giữ nguyên gốc, cái nào cần phải thay thế thì thay thế. Trong di sản thì ý nghĩa phi vật thể là vô cùng quan trọng. Nếu thay thế mà tôn vinh thêm ý nghĩa thì đáng làm”.

Rõ ràng, đây là “lối ra” cần được xem xét nghiêm túc, thấu đáo cho những bế tắc hiện nay, nhất là với những di tích chưa được xếp hạng.

Hầu như ngày nào chúng ta cũng phải nghe nói đến những cụm từ: “ngôi đình sắp sập”, “di tích kêu cứu”… Cả nước có hàng chục nghìn di tích. Gỗ đá không thể trơ gan cùng tuế nguyệt. Theo thời gian, di tích bị xuống cấp là điều tất nhiên. Mạnh về kinh tế như Thủ đô Hà Nội mà hiện tại cũng có đến 200 di tích đang… chờ sập. Mặc dù chờ sập nhưng phần lớn trong số ấy sẽ tiếp tục… phải chờ. Chưa kể hàng trăm di tích khác đang phải chống xuống cấp trong tình trạng chắp vá. Kinh phí ở đâu ra hiện vẫn là bài toán nan giải.